Độc đáo tín ngưỡng phồn thực của người Việt

Là một trong những tín ngưỡng lâu đời; xuất hiện trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước luôn đề cao sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật; tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng thờ cơ quan sinh dục của nam, nữ và hành vi giao phối.

Tín ngưỡng phồn thực là gì?

Khi bàn về tín ngưỡng phồn thực cũng có nhiều ý kiến; song ý kiến được đại đa số chấp nhận đó là định nghĩa về tín ngưỡng dựa trên tên của nó và ý nghĩa mà đó biểu hiện. Phồn có nghĩa là nhiều; thực có nghĩa là nảy nở. Phồn thực là tín ngưỡng thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ hoặc thờ hành vi giao phối để nói về ước vọng phồn sinh.

Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam

Tín ngưỡng phồn thực thì ở đâu cũng có nhưng đặc biệt ở các nước có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp như Việt Nam thì tín ngưỡng phồn thực lại càng phát triển mạnh mẽ bởi người xưa tin rằng; năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay con người đều có khả năng truyền sang vật nuôi và cây trồng. Tiêu biểu là những bức tượng đá hình nam nữ với bộ phận sinh dục được phóng đại có niên đại hàng nghìn năm được tìm thấy ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S.

Ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường: nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ).

Lễ hội Nỏ Nường

Lễ hội Nỏ Nường

Hội làng Đồng Kỵ (Hà Bắc) có tục rước sinh thực khí (làm bằng gỗ) vào ngày 6 tháng giêng; tan hội hai sinh thực khí được đốt đi và tro đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài đồng để mùa màng tốt tươi. Theo các cụ thì năm nào bỏ qua tục này, trong làng sẽ có nhiều chuyện không lành xảy ra.

Bên cạnh việc thờ sinh thực khí; ở Việt Nam còn có tục thờ hành vi giao phối. Đây là một điều tưởng chừng như khó tin ở một đất nước khá rụt rè và hay ngại ngùng.

Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh

Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh

Trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái, niên đại 500 năm TCN); xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng 4 đôi nam nữ đang giao hợp. Thân thạp khắc chìm hình những con thuyền; chiếc sau nối đuôi chiếc trước khiến cho hai con cá sấu – rồng được gắn ở mũi và lái của hai chiếc thuyền chạm vào nhau trong tư thế giao hoan. Hình chim, thú, cóc,… giao phối tìm thấy ở khắp nơi.

Ở Hòn Đỏ (Khánh Hòa) khi nhiều ngày liên tục không đánh được cá; người ta phải tới cầu xin, lạy 3 lạy và cầm vật tượng trưng cho sinh thực khí nam đâm vào Lỗ Lường 3 lần thì sẽ đánh được nhiều cá hơn.

Tín ngưỡng phồn thực còn được biểu hiện trong các vật dụng thường ngày như chày và cối –tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ; còn việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao phối. Không phải ngẫu nhiên mà trong vô vàn cách khác nhau được tách vỏ trấu khỏi hạt gạo, người Đông Nam Á đã chọn cách này; trên các trống đồng khắc rất nhiều những hình nam nữ giã gạo từng đôi.

Vai trò của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người Việt cổ lớn tới mức ngay cả những hiện tượng tưởng chừng rất linh thiêng như chùa Một Cột (dương) trong cái hồ vuông (âm); tháp Bút (dương) và đài Nghiên (âm) ở cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội); cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn (tượng trưng cho sao Khuê) soi mình xuống hồ vuông (âm) Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu vv…; cũng đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà ở các nơi thờ cúng thường gặp thờ ở bên trái là cái mõ và bên phải là cái chuông: Sự việc đơn giản này là biểu hiện của cả lí luận “Ngũ hành” lẫn tín ngưỡng phồn thực – cái mõ làm bằng gỗ (hành Mộc) đặt ở bên trái (phương Đông) là dương; cái chuông làm bằng đồng (hành Kim) đặt ở bên phải (phương Tây) là âm. Tiếng mõ trầm phải hòa với tiếng chuông thanh: nếu không có nam nữ, âm dương hòa hợp sẽ không có cuộc sống vĩnh hằng.

Thế mới thấy; văn hóa Việt Nam đa dạng và đậm đà bản sắc đến thế nào. Nhiều khi những vật tưởng chừng như vô tri, vô giác cũng mang trên mình những nét văn hóa độc đáo. Văn hóa không bao giờ mất đi; nó như sợi dây truyền từ người này qua người khác, nối liền chính chúng ta. Kể cả những con người vốn xa lạ; cũng có thể trở nên gần gũi, thân quen. Và giá trị văn hóa dân tộc luôn là thứ bền bỉ và xứng đáng được trân quý nhất.