Cùng tìm hiểu về Tết hàn thực

Ý nghĩa của Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam

Ý nghĩa của Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam

Vào ngày 3/3 hàng năm, chúng ta vẫn thường thấy mỗi gia đình sẽ chuẩn bị những đĩa bánh trôi và thường không nấu nướng gì. Thế nhưng không phải ai cũng biết được nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết mồng ba tháng ba Âm lịch hàng năm.

Nguồn gốc Tết hàn thực

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, Tết Hàn thực ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thời Xuân Thu, vua của nước Tấn là Tấn Văn Công phải lưu vong đây đó, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Lúc này Giới Tử Thôi là người luôn tận tụy theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, vì lương thực hết nên Giới Tử Thôi đã cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong biết chuyện nên đem lòng cảm kích vô cùng. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Về phần Giới Tử Thôi, ông và mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.

Đặc điểm Tết hàn thực của người Việt

Tết Hàn thực của người Việt thì có những biến đổi, nó không gắn với truyền thuyết về Giới Tử Thôi mà những món cúng trong ngày này có ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội. Và cũng trong dịp này, mọi người cố gắng về sum họp gia đình.

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực của người Việt không thể thiếu bánh trôi, bánh chay

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực của người Việt không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.

Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng Tết Hàn thực của người Việt đã có những cải biên, mang những sắc thái riêng, đậm chất Việt. Trong ngày này, chúng ta thường làm những chiếc bánh trôi viên nhỏ, bên ngoài được bọc bởi một lớp bột nếp trắng, trong nhân đậu xanh và dừa, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Với việc sử dụng nguyên liệu chính để làm bánh trôi từ gạo và đỗ là hai sản vật đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước. Với hàm ý cầu nguyện cho thời tiết mưa thuận, gió hòa, mùa màng được bội thu.