Nghề Báo – Dễ mà không dễ

Ngành Báo chí vốn không còn là ngành học quá xa lạ đối với các bạn trẻ. Hiện nay, trên toàn quốc có rất nhiều cơ sở chính quy đào tạo chuyên ngành Báo chí, mỗi năm cho ra đời hơn hàng trăm cử nhân báo chí. Dù số lượng sinh viên ra trường với chuyên ngành này nhiều như vậy nhưng do nhu cầu cung cấp tin tức của con người cũng ngày một tăng nên nguồn nhân lực giỏi vẫn thiếu rất nhiều. Từ đó để thấy rằng, học ngành Báo ra trường muốn kiếm được một công việc tốt sẽ rất dễ nhưng lại không hề dễ.

Học ngành Báo ra trường muốn kiếm được một công việc tốt sẽ rất dễ nhưng lại không hề dễ

Người làm nghề Báo cần gì?

Muốn trở thành một người làm trong ngành Báo chí, điều đầu tiên bạn cần có là khả năng viết lách và lòng yêu nghề. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM từng nói: “nghề báo yêu cầu những người có kiến thức xã hội sâu rộng, óc quan sát và phán đoán tốt, năng lực giao tiếp nhất định, chưa nói đến các năng lực làm việc khác.

Rất nhiều nhà báo giỏi không phải tốt nghiệp từ ngành báo chí. Như vậy, nếu thí sinh thích nghề báo và thấy đủ năng lực thì hãy nộp đơn thi báo chí. Việc học và việc trở thành nhà báo được xã hội công nhận là cả một quá trình phấn đấu”.

Hiện nay, đối với giới trẻ Báo chí đang là một ngành rất “hot”. Theo thống kê các kỳ thi tuyển sinh Đại học mấy năm gần đây cho thấy ngành Báo chí có điểm chuẩn luôn thuộc hàng top tại khác khối ngành C và D. Số hồ sơ nộp vào các khoa có đào tạo ngành Báo chí rất cao và dự kiến sẽ còn tăng trong các năm tới.

Nhận thấy được sự quan tâm về ngành này trong giới trẻ ngày càng lớn, theo đó đã có trường có ý định đầu tư nâng cấp kỹ thuật để tiến đến đào tạo chuyên sâu từng chuyên ngành như: Báo điện tử, Báo hình, Báo viết,… Tuy nhiên, để làm được như vậy cần phải có kế hoạch cụ thể và một sự đầu tư lớn.

Khó khăn khi tìm việc

Không phải tất cả các sinh viên học Báo sau khi ra trường đều làm báo. Theo thống kê của các chuyên gia đầu ngành thì tỷ lệ sinh viên Báo chí ra trường đi đúng ngành còn thấp; nhiều sinh viên phải chuyển sang những công việc khác bởi, số lượng tuyển dụng vào các cơ quan báo chí hàng năm có giới hạn, trong khi đó số lượng sinh viên ra trường lại nhiều hơn rất nhiều.

Đồng thời, đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy tại các cơ sở đào tạo báo chí cũng còn rất ít về số lương cũng như chất lượng, chính vì lẽ đó sinh viên khi ra trường cũng không đáp ứng hết được nhu cầu chuyên môn mà các cơ quan báo chí cần.

Không phải tất cả các sinh viên học Báo sau khi ra trường đều làm báo

Từ đó, bắt buộc những sinh viên khi theo học ngành Báo chí phải thực sự chủ động trong việc học tập của bản thân. Tự tìm cách trau dồi các kỹ năng mà một người làm báo cần có. Bên cạnh đó, các sinh viên chuyên ngành Báo chí phải chủ động thử sức mình với vị trí cộng tác viên cho các cơ sở báo chí khác nhau để lấy thêm kinh nghiệm tác nghiệp.

Ngoài ra trong thời gian thực tập; những sinh viên Báo chí phải cố gắng đi nhiều theo các đàn anh đàn chị trong nghề để học hỏi thêm kinh nghiệm làm nghề. Nắm bắt nhanh và đúng thực tế là một phần quan trọng trong bài báo của một phóng viên.

Áp lực công việc

Nếu thực sự đam mê công việc này thì bạn mới có thể theo nó đến cùng, bởi theo nhà báo Minh Quang, Ủy viên Ban biên tập Báo Lao động đã khẳng định rằng: nếu bạn làm báo thực sự nghiêm túc thì có thể nói là… bạc tóc. Đúng thật vậy, bởi “phải suy nghĩ rất nhiều, đôi khi phải đấu tranh và phải chịu áp lực lớn.

Nhưng đấu tranh cũng phải khéo, Chống cũng mang tính chất là Xây, chứ không phải chống có nghĩa là đánh một cách ”tơi bời khói lửa”. Mà tôi nghĩ tiêu cực là một phần của cuộc sống, một phần của xã hội. Nếu mình có đấu tranh phanh phui ra những tiêu cực thì cũng chỉ làm sao cho xã hội tốt đẹp lên”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Lan cũng cho hay: Nhớ lại những ngày đầu làm báo thấy mình thật dũng cảm. Những câu nói có vẻ đùa vui đó lại rất thật. Nó cho thấy những áp lực mà một người làm báo phải chịu nếu họ thực sự lao động nghiêm túc với công việc này; áp lực từ xã hội, từ dư luận cho đến cả những quan điểm, đường lối của Nhà nước. Không chỉ có vậy, họ còn phải thật nhanh để cho sản phẩm ra đúng định kỳ, đúng ngày giờ, đúng thỏa thuận,…

Người làm báo nghiêm túc phải chịu vô số áp lực

Nghề nào cũng sẽ có những cái khó và dễ riêng và ngành Báo chí cũng vậy. Thành công thì rất rực rỡ nhưng áp lực cũng rất nặng nề; nếu không thực sự yêu công việc làm Báo bạn khó có thể trụ với nó đến cùng.

Bình luận ở “Nghề Báo – Dễ mà không dễ

  1. Pingback: Điều cần biết khi theo học ngành Báo chí | Ngành văn học

Đã đóng bình luận