Những lời nhận định hay về các tác giả và tác phẩm văn học

Kể đến các tác giả nổi tiếng phải nhắc đến những cái tên như: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Du, Xuân Quỳnh, … hay nói đên các tác phẩm văn học để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc như Chí Phèo, Vợ Nhặt, Truyện Kiêu, … Mỗi nhà văn, nhà thơ nhìn cuộc đời qua những lăng kính khác nhau để rồi từ đó phác họa nên một chân dung nhân vật điển hình. Do đó, các nhà phê bình hay chính những tác giả đã có những lời nhận định và góc độ nhìn nhận, đánh giá tác phẩm riêng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

  1. Nam Cao

“Nam Cao lạnh lùng quá, kéo mép lên mới nở được một nụ cười khó nhọc (…) thật ra mặt anh ta lạnh nhưng lòng anh ta sôi nổi” (Nhận xét của nhà văn Tô Hoài)

“Trong các trang truyện của Nam Cao ,trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lí, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người” (Nguyễn Minh Châu)

– “Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao”( Nhà văn Lê Định Kỵ)

  1. Xuân Quỳnh

“Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời.” (Chu Văn Sơn)

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ

“Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả tình yêu. Chị không quanh co không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ Xuân Quỳnh” (Võ Văn Trực)

  1. Vũ Trọng Phụng và “Số Đỏ”

”Trên trang viết Vũ Trọng Phụng sắc sảo bao nhiêu thì trong cuộc đời VTP càng chân thành bấy nhiêu. Con người ấy không giết quá một con muỗi. Nhưng thật kì diệu, văn chương của con người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh.” (Lưu Trọng Lư)

Đọc “Số đỏ” nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: ”Đây là cái bi của người chết, cái hài của xã hội, cái vô phúc của gia đình giàu sang lắm tiền nhiều của nhưng thiếu tình người”

  1. Nguyễn Du và “Truyện Kiều”

Đồng tiền lăn tròn trên lưng con người. Đồng tiền làm cho trái hoá phải, đen hoá trắng và người đàn bà goá phụ trở thành cô dâu mới. (Sheakespear)

Tác phẩm “Truyện Kiều”

Tác phẩm “Truyện Kiều”

Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy khiến ai đọc cũng thấm thía ngậm ngùi. (Mộng Liên Đường)

  1. Xuân Diệu

“Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, đặc sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt Nam… cho tới nay và những năm tháng trước mắt liệu có ai vượt được Xuân Diệu trong lĩnh vực thơ tình? Và không ai có thể thay thế được Xuân Diệu” (Tố Hữu)

.”Xuân Diệu là cả một viện nghiên cứu văn học trong anh” (Chế Lan Viên)

“Nhà thơ Xuân Diệu mất đi, thấy có mang theo một mảng đời văn tôi” (Nguyễn Tuân)

“Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” (Thế Lữ – Lời tựa cho tập “Thơ thơ”)

  1. Tố Hữu và “Việt Bắc”

Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý. (Chế Lan Viên-“Lời nói đầu tuyển tập thơ Tố Hữu”)

Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi. (Tố Hữu-“Nhà văn nói về tác phẩm”)

Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên. (Xuân Diệu-“Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu”)

Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự. (Xuân Diệu-“Tố Hữu với chúng tôi”)

Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính… Anh là một con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp. (Lời nói đầu cho tuyển tập 1938 – 1963 của Tố Hữu, Văn học, 1964, Chế Lan Viên)

(Sưu tầm)