Sinh viên ngành Văn học cần có những kiến thức gì

Trong xu thế hiện nay, một số ngành như: Công nghệ thông tin, Kế toán, Điện – Điện tử thuộc khối ngành Khoa học tự nhiên đang ngày càng trở nên “hot” và thu hút đông đảo lượng sinh viên theo học. Bên cạnh đó, các ngành Văn học, Báo chí, Nhân học, Triết học,… thuộc khối ngành Khoa học xã hội cũng nhận được không ít sự quan tâm. Tuy nhiên, các thí sinh vẫn còn đang băn khoăn về chương trình học và e ngại trước ngưỡng cửa sự nghiệp. Thực tế cho thấy, mỗi ngành học sẽ có một vai trò nhất định để đáp ứng các nhu cầu đặt ra của xã hội. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích, giúp các bạn hiểu thêm về ngành Văn học.

(Ảnh minh họa)

Hiểu về ngành Văn học

Đào tạo cử nhân ngành Văn học là trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên ngành sâu rộng về văn học và ngôn ngữ, báo chí và truyền thông. Không chỉ có được chuyên môn vững vàng mà sinh viên còn có phẩm chất nhân văn tốt đẹp, kỹ năng làm việc tốt và thích ứng tốt với công việc liên quan đến văn học.

Sinh viên ngành Văn học được trang bị kiến thức các môn cơ sở như: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hán Nôm cơ bản, Từ vựng tiếng việt, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Hán văn cơ bản, Ngữ âm tiếng Việt, Dẫn luận ngôn ngữ học, Logic học đại cương,… Bên cạnh đó, còn có những môn chuyên ngành như: Văn học Trung Quốc, Văn học Nga – Slav, Văn học Mỹ, Văn học Việt Nam, Tiến trình văn học , Tiếng Anh chuyên ngành văn học, Nghệ thuật truyền thống Nam bộ,…

Tùy theo định hướng nghề nghiệp của bạn như thế nào để có thể đăng ký các môn học chuyên ngành phù hợp với công việc sau này. Ngoài ra, bạn còn được trang bị các kỹ năng như: phê bình văn học, nghệ thuật; nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam; viết báo, biên tập báo chí, xuất bản; soạn thảo văn bản hành chính, lưu trữ văn bản; làm việc nhóm, xử lý tình huống.

Triển vọng nghề nghiệp

Trong quá trình đào tạo các môn chuyên ngành, sinh viên sẽ được định hướng nghề nghiệp để chọn lựa và hoàn thiện chương trình học của mình. Hướng thứ 1 là nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn; hướng thứ 2 là báo chí, xuất bản, văn phòng; hướng thứ 3 là nghệ thuật học. Do vậy, sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn học, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí trong các lĩnh vực sau:

  • Lĩnh vực báo chí, truyền hình: Nhà báo, phóng viên, biên tập viên, MC – phát thanh viên, đạo diễn,…
  • Lĩnh vực xuất bản, dịch thuật: chuyên viên tại các nhà xuất bản, biên – phiên dịch viên,…
(Ảnh minh họa)
  • Lĩnh vực sáng tác văn học, nghệ thuật: nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình,…
  • Lĩnh vực truyền thông: chuyên viên quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng,…
  • Lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu văn học: giáo viên tại các trường trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, giảng viên tại các trường cao đẳng và đại học, chuyên viên tại các viện và các trung tâm nghiên cứu.