Ngành Việt Nam học

Nghiên cứu về Việt Nam là ngành tuy không mới nhưng rất cần những định hướng đúng đắn, nghiên cứu sâu, khoa học. Trong bổi cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, được bạn bè thế giới biết đến và xuất hiện nhiều trên bản đồ kinh tế – chính trị thế giới, thì ngành Việt Nam học cũng có những bước tiến lớn, mở rộng cả về chủ đề, nội dung, lĩnh vực nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu. Chính bởi vậy, Việt Nam học đang thực sự trở thành một ngành học khoa học nghiên cứu ngày càng hấp dẫn.

Đào tạo Việt Nam học không chỉ đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển và hội nhập của Việt Nam mà còn phục vụ cho quá trình đầu tư và hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trong nhiều năm qua, số lượng các trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Việt Nam học ngày càng tăng cao, kéo theo số lượng thí sinh đăng kí dự thi vào Việt Nam học cũng tăng mạnh. Điều này chứng tỏ sức hút của ngành học mang tính đặc trưng này.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn khách du lịch

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn khách du lịch

Đặc điểm ngành Việt Nam học

Việt Nam học là ngành khoa học nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam trên các phương diện như: văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn học… Ngoài những kiến thức cơ bản như: địa lý, lịch sử, văn hóa các dân tộc, vùng miền… sinh viên ngành Việt Nam học còn được học những kỹ năng, nghiệp vụ như: nghiệp vụ báo chí, nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ văn phòng, giảng dạy tiếng Việt, dịch thuật, ngoại ngữ chuyên ngành …Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kiến thức ngoại ngữ – tiếng Anh chuyên ngành du lịch.

Ngành học này khá thú vị vì khi học bạn sẽ có thêm hiểu biết và kiến thức về tôn giáo, tính ngưỡng, dân tộc, đặc trưng vùng miền ở đất nước mình. Đây là ngành thú vị và phù hợp với những người thích tìm tòi, khám phá các vùng đất mới với những nét văn hóa đặc sắc riêng biệt.

Tích hợp những kiến thức và kỹ năng được nhà trường trang bị, sinh viên ngành Việt Nam học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm công việc ở các vị trí, lĩnh vực như:

  • Hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các viện bảo tàng
  • Làm công tác nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lí văn hoá, doanh nghiệp tổ chức sự kiện – du lịch…
  • Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành Việt Nam học
  • Làm việc trong các tờ báo, tạp chí, cơ quan truyền thông, xuất bản
  • Nhân viên tại các công ty cung cấp dịch vụ du lịch như: khu du lịch, điểm du lịch, điểm vui chơi tham quan du lịch…
  • Tự tạo lập doanh nghiệp du lịch mới với quy mô nhỏ.

Học Việt Nam học ở đâu?

Dưới sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với sự cấp thiết trong đào tạo nhân lực ngành am hiểu về Việt Nam, đã có gần 80 trường đại học, cao đẳng trên cả nước tuyển sinh ngành Việt Nam học.

Hiện nay, ở một số trường như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM và Hà Nội), ĐH Lạc hồng; ĐH Văn hóa, Đại học Duy Tân ngành Việt Nam học được đào tạo theo hướng chuyên ngành Văn hóa du lịch.

Ở Đại học Duy Tân, sinh viên được học song song kiến thức về Văn hóa và kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ Du lịch. Sau khi hoàn thành chương trình đại học với thời gian 4 năm, sinh viên sẽ có những hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực văn hóa-du lịch ở trong nước và trên thế giới; am hiểu các loại hình, sản phẩm văn hóa.

Trên nền tảng kiến thức sẵn có, sinh viên trong quá trình học vẫn có thể tự tin giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam khi tham gia,giao lưu các hoạt động văn hóa-du lịch. Trong suốt quá trình học, sinh viên có cơ hội làm nghiên cứu khoa học để tìm hiểu sâu hơn về đất nước, con người, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân ở khắp mọi miền tổ quốc.