Kiến thức
Những quy tắc trên mâm cơm của người Việt
Người Việt Nam từ xưa đến nay luôn có những quy tắc nhất định trong bữa ăn, từ cách dùng đũa, ngồi ăn,… đều phải thể hiện nét tao nhã, lịch sự. Trẻ em ngay từ bé cũng được dạy dỗ, hướng về mọi quy tắc trong bữa ăn và những điều không nên làm. Điều đó thể hiện văn hóa và sự tôn trọng với những người xung quanh.
Việc ăn uống cũng là nét văn hóa và sự tôn trọng với những người xung quanh
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
Ngày xưa, người Việt thường ngồi ăn cơm ở dưới chiếc chiếu trải dưới đất. Cách bày biện trong mâm cơm tròn thường là chén mắm được đặt ngay chính giữa, xung quanh là những dĩa thức ăn và một tô canh to. Riêng cơm là được để nguyên trong ngồi, được đặt bên cạnh cái mâm.
Cách bày biện thức ăn trong mâm cơm tròn của người Việt
Thông thường, người phụ nữ nội trợ chính trong gia đình thường ngồi bên cạnh nồi cơm, thường là người mẹ. Các thành viên còn lại ngồi xung quanh theo hình vòng tròn. Và có lẽ ông bà ta ngày xưa đã “Chọn mặt gửi vàng” cho người ngồi bên nồi cơm là người mẹ vì mẹ thường hiểu rõ “sức ăn” của từng người. Và mẹ cũng là người khéo léo, có thể xới cơm không bị rơi rớt ra ngoài.
“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” chính là chúng ta phải chọn vị trí ngồi sao cho phù hợp, vừa ăn và vừa quan sát nồi cơm để điều chỉnh sức ăn của mình.
Nết ăn – tính người
Thông thường, khi muốn ra mắt gia đình người yêu thì chúng ta vẫn thường nói “mời về nhà ăn cơm”. Đây cũng là nét văn hóa của người Việt vì chúng ta cho rằng, con người khi ăn cơm sẽ thể hiện được tính tình của mình trong đó.
Và phong tục ăn cơm của mỗi miền cũng khác nhau. Nếu như ở miền Bắc, chúng ta phải mời hết tất cả người lớn trong mâm cơm trước khi ăn, thì ở miền Trung, cũng đợi ba mẹ ăn trước, nhưng nhất thiết mời từng người vì miền Trung coi vậy là khách sáo, không tự nhiên.
Người Việt chúng ta cho rằng, con người khi ăn cơm sẽ thể hiện được tính tình.
Không những vậy, cách cầm đũa, gắp thức ăn, cách nhai, cách kết thúc một bữa ăn cũng phải tỏ ra cho phải phép. Và gia đình người yêu sẽ “xem mắt” con dâu hoặc con rể qua bữa ăn để xem người đó có hợp hay không, có cần điều chỉnh hay thay đổi gì không. Từ đó ít nhiều có thể suy ra được cách giáo dục của mỗi gia đình.
Ngược lại, người bạn gái hay bạn trái đó sẽ phần nào hiểu được văn hóa của nhà chồng, nhà vợ mà mình dự định kết hôn. Từ đó họ cũng tự có nhận định riêng hợp với cách sống của mình hay không, nên tiếp tục hay rút lui…
Ở mỗi thời đại, vùng miền, mỗi gia đình có quy tắc riêng về cách ứng xử trên mâm cơm. Và cho đến tận bây giờ, “học ăn” vẫn là điều mà con người ta phải học đầu tiên trong cuộc đời của mình.