BIỂU TƯỢNG CON NGHÊ TRONG VĂN HÓA VIỆT

Con nghê (hay còn gọi là con ngao) là một động vật thần thoại trong văn hóa Việt Nam, nó là sự kết hợp và biến thể từ sư tử và chó dữ, thường được người Việt dùng làm linh vật trấn giữ trước cổng đình chùa, đền miếu. Qua nhiều triều đại, Nghê xuất hiện nhiều ở khu vực miền Bắc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghê là con gì?

Cụ thể, nghê là con vật được miêu tả với ngoại hình đầu lân thân chó. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa nghê và lân, nhưng trên thực tế hai con vật này hoàn toàn khác nhau, điểm phân biệt rõ ràng nhất là ở bộ móng, nghê mang móng vuốt còn lân mang móng guốc. Ở Trung Quốc, người ta thường gọi là “toan nghê” nó có nghĩa là sư tử, còn ở Việt Nam, hình ảnh nghê lại gắn liền nhiều hơn với con chó. Tại sao lại gọi là “nghê”? Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế đã có lời giải thích: Từ nguyên của nghê có gốc Hán; hiện tượng phổ biến trong mã chung văn hóa khu vực Viễn Đông có rất nhiều tín ngưỡng và đồ án Trung Hoa nhưng khi sang đến Nhật Bản, Hàn Quốc xuống đến Việt Nam dù cùng tên gọi nhưng lại có dung mạo khác nhau. Hình dáng của con nghê Việt luôn gợi cho chúng ta một nét bình dị, dân giã. Giống như con nghê gỗ – một trong những hiện vật quý hiếm của đền thờ Lê Thánh Tông hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dù được thiết kế cầu kì, thể hiện sự cao quý nhưng khác với những con nghê ở chốn khác, nó vẫn bộc lộ tính gần gũi, nét thân quen.

Nếu những linh vật khác thường được trưng bày ở những vị trí cố định, nghê xuất hiện hầu như ở mọi nơi: trên các tam quan, ngay trước cổng làng, lăng mộ, dưới nóc mái, bờ ao trong kiến trúc đình chùa, nhà ở,… Con nghê gợi cho người xem cảm giác gần gũi, thân thiện. Các hiện vật nghê gốm, gỗ sớm nhất được xác định từ thời Lý mang hình dáng của con chó bụng thon, đuôi ngắn, cổ tương đối ngẩng, những đặc điểm đó phần nào làm ta liên tưởng đến tín ngưỡng thờ chó trong dân gian Việt Nam.

Vị trí và ý nghĩa của con nghê trong văn hóa người Việt

Với mỗi vị trí xuất hiện con nghê lại mang một ý nghĩa cụ thể. Bốn ngôi đền thiên trấn giữ  bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa kia chính là Thăng Long tứ trấn. Trấn Đông là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, Thành hoàng Hà Nội, được xây dựng vào thế kỷ 9. Trấn Tây là Đền Voi Phục, thờ Linh Lang, một hoàng tử thời nhà Lý, xây dựng vào thế kỷ 11. Trấn Nam là đền Kim Liên, thờ Cao Sơn Đại Vương, xây dựng vào thế kỷ 17. Trấn Bắc là đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Ở Thăng Long tứ trấn đều thấy có sự xuất hiện của hình tượng con nghê trong trang trí kiến trúc… rõ nét nhất chính là các con nghê được đặt trên các cột trụ trước cổng đền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghê còn xuất hiện ở các lăng mộ, đặc biệt là mộ các vua quan trước thời Nguyễn ở Bắc Giang: lăng họ Ngọ, lăng Đinh Hương… nhưng xét về mặt văn hóa học thì con nghê đặt ở các lăng mộ có ý nghĩa khác hẳn so với những con nghê ở các đền, chùa.

Theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế thì: “Con nghê nơi lăng mộ, xét trong ý nghĩa tâm linh hơi khác những con nghê chúng ta vốn quen thuộc thân thiết ở các đình làng, bởi thường thể hiện một lòng kính cẩn thương xót, bày tỏ một niềm đau đớn mà thường trong mỹ thuật cổ truyền vùng Viễn Đông, người ta không làm hình người khóc lóc ở lăng miếu, thay vào đó là hình các con thú. Con nghê của người Việt không có biểu hiện hung dữ, ghê gớm, hăm dọa, mà gần gũi, thể hiện tâm thức người Việt, phù hợp cảnh quan, nhân tình thế thái của người Việt”.

Ở mỗi thời kì nghê lại có những thù hình khác nhau, nhưng càng ngày càng trở nên sang trọng, thể hiện sự linh hiển như thêm vảy, đuôi dài,… và có một điểm khác biệt so với các nước Viễn Đông, thông thường phượng sẽ đi kèm với rồng nhưng ở Việt Nam phượng lại đi cặp với nghê nên có câu: “Làm Phượng thì múa làm Nghê thì chầu”. Điều này càng chứng minh sự quan trọng của con nghê trong đời sống văn hóa người Việt.

Mỗi loại nghê sẽ có một ý nghĩa khác nhau trong văn hóa dân gian Việt Nam; nghê mang nhiều biểu trưng, từ sự bình dị, gần gũi, đến sự chính trực, ngay thẳng, dũng mãnh, quyền uy, linh thiêng và lòng trung thành. Hiếm có linh vật nào trên thế giới lại mang trong mình nhiều biểu trưng và ý nghĩa như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa