5 Cuốn sách thiếu nhi mà người lớn cũng nên đọc

Nhiều người cho rằng sách thiếu nhi chỉ là những câu chuyện với nội dung giáo dục, định hình cho nhân cách của trẻ về sau nhưng trên thực tế, sách thiếu nhi còn có nhiều giá trị nhân văn hơn như vậy rất nhiều. Sách thiếu nhi là sự khám phá hi vọng, sự sợ hãi, thất bại và tình yêu. 

Khi đọc một cuốn sách thiếu nhi, bạn như trở lại khoảng không – thời gian khi bạn còn là một đứa trẻ: một lối dẫn trở về tuổi thơ, khám phá những điều mới xuất hiện trong thế giới quan còn non nớt, trước khi thế giới trở nên rộng lớn, trước khi trí tưởng tượng của bạn dần được “cắt tỉa gọn gàng”. Thế nhưng trí tưởng tượng không bao giờ là lựa chọn của bạn, mà nó là cốt lõi của thế gian, cho phép chúng ta trải nghiệm thế giới từ quan điểm của người khác với điều kiện tiên quyết là tình yêu. Chúng ta cần các cuốn sách mang đến cho trái tim và khối óc một “cú đá điện” – những cuốn sách thiếu nhi. Những tác phẩm đó phải được chưng cất, ở dạng thuần khiết nhất, nguyên mẫu nhất trong cuộc đời họ: vui, sợ hãi, hi vọng. Hãy nghĩ về sách thiếu nhi như một loại vodka của văn học.

Trên hết, tiểu thuyết thiếu nhi là tiếng nói về sự hi vọng và những điều có ý nghĩa quan trọng với con người trong thế giới đầy rộng lớn: sự bản lĩnh, hào phóng, sự hài hước, thấu cảm và tình yêu.

WH Auden đã viết, trong một bài tiểu luận về Lewis Carroll: “Có những cuốn sách hay chỉ dành cho người lớn, vì sự hiểu biết của họ giả định trước những trải nghiệm của người lớn, nhưng không có cuốn sách hay nào chỉ dành cho trẻ em. Tôi không cho rằng người lớn chỉ nên đọc tiểu thuyết của trẻ em, chỉ là đôi khi trong cuộc sống đó là điều cần thiết mà người lớn cần thực hiện”.

Dưới đây là năm trong số những cuốn sách thiếu nhi hay nhất mà người lớn nên đọc.

Những cuốn sách Paddington của Michael Bond

Hình minh họa

Có một bài học sinh động và rõ ràng ở Paddington đó là sự tồn tại.

Chú gấu con lặn lội từ vùng tăm tối nhất Peru có một niềm đam mê to lớn với nước Anh, đã một mình chu du đến tận Luân Đôn để tìm cho mình một mái nhà. Nhưng chú nhanh chóng nhận ra mình bị lạc và bà Brown bắt gặp chú ở ga Paddington: “Một con gấu á? Ở ga Paddington ấy ư?” Bà Brown nhìn chồng kinh ngạc. “Thôi đừng nói vớ vẩn nào Henry. Làm gì có chuyện đó!”

Từ ngày hôm đó, cuộc sống của cặp vợ chồng bà Brown đã không còn như trước nữa, những điều bình thường đã dần trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết khi có sự tham gia của chú gấu. Mặc dù chưa thật sự quen với cuộc sống cỉa con người nhưng bọn trẻ nhà Brown thật sự yêu quý chú và chính Paddington cùng dần cảm nhận mình trở thành một thành viên của gia đình. Ngay khi mọi người đang hạnh phúc nhất thì người phụ nữ bí ẩn – Millicent Clyde xuất hiện và đe dọa niềm hạnh phúc đó.

Trong câu chuyện, dường như chú gấu đã không còn chỉ là một nhân vật mà nó đã trở thành một biểu tượng. Điều tuyệt vời hơn, mỗi một câu chuyện, mỗi cấu trúc mà Michael Bond xây dựng là một dạng ẩn dụ và có thể được đọc dưới dạng ngụ ngôn. Các cuốn sách với những câu chuyện thu nhỏ cho chúng ta thấy rằng, bên trong mỗi điều kì lạ, mỗi một rủi ro và thảm họa xảy ra luôn ẩn giấu một hạt nhân hi vọng, một điều tốt lành sẽ tới.

Vật liệu tăm tối của Philip Pullman

Hình minh họa

His Dark Marterials (Vật liệu tăm tối) và cuốn sách hư cấu về Chúa Jesus có lẽ là những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Philip Pullman – một trong 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất từ sau 1945 (tạp chí Time bình chọn vào năm 2008).

His Dark Marterials bao gồm ba tập truyện, Northern Lights (1995, được đổi tên thành The Golden Compass – Chiếc la bàn vàng khi xuất bản tại Mĩ), The Subtle Knife (1997) và The Amber Spyglass (2000). Northern Lights đã giành được Huân chương Carnegie cho thể loại sách văn học thiếu nhi Anh năm 1995 và được chuyển thể thành phim ra mắt năm 2007.

Bộ tiểu thuyết là câu chuyện ở một vũ trụ giả tưởng, nơi cô bé mồ côi – Lyra Belacqua phải chạy trốn những kẻ xấu đang theo đuổi. Khi bị bắt, cô bé đã dùng đến chiếc la bàn và sự thông minh, tài năng của bản thân để tự giải thoát mình cũng như những đứa trẻ bị bắt cóc khác.

Nếu mỗi linh hồn quan tâm đến thế giới và có một câu chuyện để kể về thế giới và là sự thật, linh hồn đó sẽ được lũ quạ dẫn qua bóng tối sang phía bên kia ánh sáng. Sự quan tâm cặn kẽ và sự thức tỉnh trước vẻ đẹp của thế giới, đối với Pullman, là những gì cuộc sống đòi hỏi ở chúng ta. Chúng ta phải học, trong vũ trụ của Pullman, để ngắm nhìn thế giới với sự quan tâm sâu sắc và hào phóng.

Ở xứ sở những điều hoang dã của Maurice Sendak

Hình minh họa

Maurice Sendak – một họa sĩ, nhà văn người Mỹ bằng tài năng của mình đã nâng tầm cho những cuốn sách viết cho trẻ em. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Where the Wild Things Are – Ở xứ sở của những điều hoang dã.

Đây là câu chuyện hoàn hảo cho những bạn nhỏ có ước mơ được trốn nhà đến những vùng đất mới. Cậu bé Max tinh nghịch, cảm thấy quá tẻ nhạt với những thứ đang diễn ra trong cuộc sống; khi được đưa đến xứ sở kỳ quái, nơi có những con thú kì lạ. Cậu trở thành vua của xứ sở những thứ hoang dã và thích thú với việc được tự do trong rừng. Nhưng ngay cả hoàng tộc cũng có thời gian giới nghiêm và ngay khi Max ngửi thấy mùi hương quen thuộc của bữa tối ở nhà, cậu sung sướng đến mức từ bỏ vương miện và trở về lại với căn phòng ngủ của mình.

Có nhiều lớp nghĩa có thể lí giải cho câu chuyện này, nhưng đối với đôi mắt của một người lớn thì có lẽ ý nghĩa không chỉ dừng lại như một đứa trẻ ba hay bốn tuổi. Đó có thể chính là bài học cho sự hung sữ của tình yêu và sự chinh phục tình yêu thương đối với mỗi con người.

Cậu bé và chú chó của Eva Ibbotson

Hình minh họa

Mở đầu câu chuyện là mong muốn có một con chó của nhân vật Hal, nghe có vẻ thật đơn giản, nhưng mấu chốt câu chuyện lại nằm ở bố mẹ em, họ không đồng ý việc em nuôi thêm một chú chó bởi họ không thể chịu đựng được những rắc rối mà một chú chó gây ra cho ngôi nhà sang trọng của họ. Cho đến dịp sinh nhật lần thứ 10, bố Hal đã nghĩ ra một cách để an ủi Hal, đó là thuê một chú chó trong hai ngày cuối tuần và ông tin rằng, cậu cũng sẽ nhanh chóng chán “thứ đồ chơi” mới này, như bao nhiêu đồ chơi ông đã mua cho cậu trước đó.

Chú chó Fleck và Hal ngay từ khi nhìn thấy nhau, đã như trúng “tiếng sét”. Giữa cậu bé và chú chó nảy nở một sự gắn kết kỳ lạ và bền chặt. Đến khi Hal phát hiện ra Fleck chỉ là một chú chó được thuê và bị bố mẹ lừa gạt, cậu đã có một kế hoạch táo bạo, bắt đầu một câu chuyện phiêu lưu, tìm kiếm tự do. Cuộc hành trình của hai đứa trẻ (Hal và cô bạn đồng hành Pippa) cùng năm con chó từ London đến Northumberland được bắt đầu từ lúc ấy, mang đầy phong vị của sự phiêu lưu. Một cuộc hành trình ngập đầy xúc cảm, với những trái tim rộng mở. Căn nhà bên bờ biển chính là một đích đến tuyệt vời, không chỉ là mái ấm, là nơi để con người được mở rộng tâm hồn mình để đón nhận những điều thú vị nhất, kì diệu nhất.

Dù được viết cho thiếu nhi nhưng Cậu bé và chú chó là một câu chuyện có khả năng hấp dẫn mọi lứa tuổi độc giả, cuốn mọi người vào cuộc phiêu lưu vừa hài hước, vừa ngây thơ, lại rất thông minh của những đứa trẻ có một tâm hồn tự do. Câu chuyện còn đem đến những bài học giá trị về tình bạn, về sự trung thành, lòng thấu hiểu, sự vị tha… được truyền tải một cách đầy hóm hỉnh, nhẹ nhàng và chân thành.

Peter Pan của JM Barrie cho những ai từng mong chẳng bao giờ lớn lên

Hình minh họa

Peter Pan được xây dựng là hình tượng của một thiếu niên 12 tuổi biết bay, luôn muốn vui chơi và hưởng thụ cuộc sống, chính vì thế cậu luôn tìm cách chối bỏ “sự trưởng thành” và mãi mãi không chịu lớn lên. Cậu sống ở vùng đất Neverland thần tiên cùng các “Lost boys” – những cậu bé đi lạc và cô tiên Tinkerbell. Tuy nhiên cuộc sống ở đâu cũng vậy, xung quanh Peter không chỉ có bè bạn mà còn có những kẻ luôn thù ghét và tìm cách hãm hại cậu. Thuyền trưởng Hook – một gã cướp biển đáng sợ với một cánh tay là chiếc móc câu bằng sắt chính là kẻ thù truyền kiếp của Peter Pan. Hắn hận Peter như vậy là vì một bàn tay của hắn đã bị Peter chặt đứt trong một lần giao chiến trước đây. Cùng tên thuộc hạ thân cận Smee, mục tiêu của Hook là đuổi bắt cho bằng được Peter Pan, mà nguyên nhân sâu xa được hé mở là do hắn ghen tị với những vui vẻ mà Peter Pan và những cậu bé có được ở độ tuổi trẻ con.

Peter Pan sau những chuyến vui chơi đã vô tình quen biết Wendy – một cô bé đáng yêu sống ở London. Cậu có cảm tình đặc biệt với Wendy và mời cô bé đến Neverland cùng sống với mình. Cả hai trải qua nhiều chuyện và chính Wendy đã mở cho Peter Pan thấy một thế giới mà cậu chưa từng dám đặt chân vào. Peter pan sợ sự trưởng thành, sợ phải trở thành người đàn ông. Vì thế cậu đã chọn cách trốn tránh để làm một cậu bé suốt đời, nhưng tình cảm dành cho Wendy đã khiến suy nghĩ của Peter thay đổi. Cuối cùng, chú vẫn ở trong hình hài một đứa trẻ, còn mọi người vẫn lần lượt lớn lên.

Nhiều người yêu thích Peter Pan vì câu chuyện không hoàn toàn là sự mộng mơ và vui đùa của trẻ nhỏ, ở đó nó còn là câu chuyện về sự đấu tranh, về tình yêu, sự lựa chọn… Tất cả những điều đó còn mang đến cho người lớn nhiều hơn “chỉ là một câu chuyện”.

Theo thời gian, công việc, cuộc sống và những yêu cầu của xã hội dần khiến con người ta quên dần đi những giá trị cốt lõi của cuộc đời, trong những mối quan hệ giữa người và người. Sẽ có người cho rằng việc đọc những câu chuyện thiếu nhi thật tốn thời gian và vô bổ nhưng trên thực tế nó sẽ khiến bạn chợt nhận ra rằng, mình đã bỏ quên những ước mơ, những hoài bão, những điều mình đã từng cho là thật phi thường ở một nơi gọi là “quá khứ”.