Thủ thuật
Sử dụng sơ đồ tư duy trong học Văn
Học Văn không phải là điều đơn giản như chúng ta vẫn thường nghĩ bởi đó là sự hội tụ của kiến thức mà thầy cô truyền đạt, một chút năng khiếu và sự cố gắng của bản thân mỗi người. Không những thế, học Văn không chỉ là sự cảm nhận về một tác phẩm, một cuộc đời hay một câu chuyện mà nó còn cung cấp cho chúng ta hiểu biết về văn hóa, con người Việt Nam và thế giới, hướng đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống như Chân – Thiện – Mĩ.
Chính vì môn văn có khối lượng kiến thức nhiều và khó, tâm lí thực dụng nặng nề nên nhiều bạn sinh viên cảm thấy học văn là một công việc nặng nhọc, mệt mỏi, khó khăn. Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn một phương pháp học sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều trong việc học của mình.
Sơ đồ tư duy hình cây
Sơ đồ tư duy là gì?
Một sơ đồ do các sinh viên ngành Văn học vẽ
Là phương pháp sử dụng những sơ đồ, hình ảnh, chữ minh họa với nhiều màu sắc và điểm nhấn một cách logic giúp gây ấn tượng, từ đó khắc sâu kiến thức và học bài dễ thuộc hơn
Cần chuẩn bị những gì?
Vẽ sơ đồ tư duy vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần có bút và giấy. Tuy nhiên, chúng ta nên sử dụng giấy trắng hoàn toàn như A4 để việc sáng tạo được dễ dàng hơn. Hiện nay, có rất nhiều phần mềm mới ra đời giúp chúng ta có thể thao tác được trên máy tính. Tuy nhiên để nhanh và gọn thì vẽ giấy vẫn có nhiều ưu điểm hơn.
Các bước vẽ như thế nào?
Cấu trúc đơn giản của sơ đồ tư duy
– Bước 1: Chúng ta sẽ ghi nội dung chính ở trung tâm, bạn có thể viết bằng chữ in hoa to, rõ. Điểm đặc biệt của sơ đồ tư duy là chúng ta nên kết hợp với các hình ảnh để sơ đồ trở nên sinh động hơn.
– Bước 2: Sau đó, chúng ta sẽ triển khai các nhánh chính được tỏa ra từ trung tâm. Các nhánh phụ này cũng cần được đặt tên bằng những từ ngữ ngắn gọn kết hợp với hình ảnh để tỏa về các hướng xung quanh chủ đề chính.
– Bước 3: Vẽ các nhánh con xung quanh tiêu đề phụ đã có ở bước 2. Các bạn nên vẽ các nhánh con này dưới dạng nét cong hơn là đường thẳng bởi theo nghiên cứu thì đường cong sẽ giúp não bộ của chúng ta đỡ nhàm chán hơn đường thẳng. Bạn cũng nên sử dụng hình, kí hiệu và viết tắt để nội dung ngắn gọn hơn. Bạn cần lưu ý tất cả các nhánh của một ý nên tỏa ra từ một điểm và có cùng 1 màu.
– Bước 4: Thêm các hình ảnh minh họa phù hợp. Bước 4 này là thời điểm để bạn tự do thể hiện sự sáng tạo của cá nhân mình. Các hình ảnh minh họa này sẽ giúp bạn nhớ kiến thức trong sơ đồ lâu hơn.
Khi nào sẽ sử dụng sơ đồ tư duy?
- Nếu như cách thầy đọc trò chép đã quá lỗi thời thì chúng ta sẽ hệ thống kiến thức sau mỗi bài học bằng sơ đồ tư duy để dễ hiểu hơn.
- Khi giáo viên ra đề tài tiểu luận hoặc bài tập nhóm, chúng ta sẽ lập sơ đồ tư duy để lên kế hoạch cho tiểu luận, phát triển ý tưởng nhanh chóng và hầu như là vô tận
- Mỗi kì thi luôn là nỗi ám ánh với các sinh viên bởi chúng ta phải ghi nhớ rất nhiều kiến thức trong thời gian ngắn, vì thế sử dụng sơ đồ tư duy để giúp cho việc ghi nhớ kiến thức để chuẩn bị cho các kỳ thi trở nên nhẹ nhàng hơn.
- Không những thế, bạn còn có thể sử dụng sơ đồ tư duy như một công cụ thuyết trình thay cho những slide nhàm chán.
Có thể thấy, ích lợi của sơ đồ tư duy là rất to lớn. Hi vọng rằng, bài viết sẽ giúp các bạn tìm được giải pháp phù hợp cho việc học.