Kiến thức
Một vài thuật ngữ ngành Báo chí
Báo chí là ngành nghề có tác động rất lớn đến mọi mặc của xã hội; do đó, không phải điều gì ta cũng có thể viết lên trên mặt báo, cũng như ngành Báo chí cũng sẽ có những thuật ngữ chuyên biệt mà chỉ người trong ngành mới có thể hiểu được nhằm đảm bảo tính bảo mật của ngành nghề. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn một vài thuật ngữ ngành Báo chí.
Bài báo (article).
Trong một quan niệm rộng rãi, không có tính chuyên ngành, bài báo là bất kỳ văn bản nào có tác giả công bố trên mặt báo, trừ các mẩu tin. Trong quan niệm mang tính chuyên ngành, bài báo là một tác phẩm báo chí có nội dung và hình thức hoàn chỉnh, xuất hiện như một bức thông điệp chứa đựng một thông tin cốt lõi, có mô tả, lý giải rõ ràng, cụ thể, lôgic và dễ hiểu một sự kiện, hiện tượng hoặc một vấn đề, quan niệm nào đó đang có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa xã hội quan trọng.
“Bài báo” là một thuật ngữ không có sự thống nhất về nội dung giữa thực tiễn sử dụng và nghiên cứu lý thuyết. Ngay cả các nhà báo chuyên nghiệp hàng ngày vẫn có thể sử dụng từ “bài báo” chỉ để phân biệt với các sản phẩm không phải là “bài”, như Tin và Ảnh, giống như các gọi thông thường của độc giả.
Trong nghiên cứu lý thuyết, xuất phát từ các tài liệu báo chí học Nga và Đông Âu, ở Việt Nam, khái niệm bài báo chỉ được giới hạn trong phạm vi những bài đưa tin dài, đôi chỗ còn được gọi là thể loại “bài thông tấn”.
Bút danh (pseudonym).
Là biệt hiệu của tác giả in trên sách, báo. Việc không sử dụng tên chính thức mà dùng tên tự đặt để khẳng đinh vai trò chủ thể và quyền sở hữu tác phẩm có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau:
- Lý do an ninh chính trị: tác giả cần bí mật để tự bảo vệ mình trước nguy cơ truy tố, khủng bố cá nhân.
- Vì nhu cầu tinh thần: đặt bút danh theo kỉ niệm riêng tư, nhằm gửi gắm một ý nguyện, ước mơ, kỳ vọng nào đố.
- Vì sinh kế phải mượn danh tác giả khác.
Trong trường hợp thứ ba, khi tác giả phải công bổ tác phẩm của mình dưới tên của bạn bè đồng nghiệp, người Hy Lạp có danh từ đặc biệt để chỉ bút danh này là allonym (phân biệt vớipseudonym).
Các nhà văn lớn như Molière, Voltaire, Stendhal, Mark Twain, Anatole France, M. Gorki đều dùng bút danh. Để tránh sự kiểm duyệt nhà nước và sự tẩy chay của các toà báo, nhà báo – nhà văn châm biếm Thổ Nhĩ Kỳ A. Nesin phải dùng tới hơn hai trăm bút danh. Các nhà văn trung đại Việt nam đều có tên chữ, tên hiệu giống như bút danh.
Ký (journalese sketch)
Ký là thuật ngữ đại diện cho một nhóm thể loại văn xuôi tự sự không hư cấu, được sử dụng chung trong cả văn học lẫn báo chí, như: bút ký, ký sự, phóng sự, du ký, hồi ký, nhật ký v.v. Ký phân biệt với truyện ở tính chất tài liệu hiện thực, thái độ tôn trọng sự thật, kiềm chế những tưởng tượng nghệ thuật và hạn chế tối đa lối sáng tác hư cấu.
Ký có thể lấy cốt truyện làm điểm tựa để triển khai chủ đề, song thường là những cốt truyện ít kịch tính. Trong quá trình tái hiện sự thật đời sống, ký chú trọng tới những vấn đề xã hội hơn là những tính cách con người cụ thể. Do vậy, đọc ký, người đọc quan tâm tái chủ đề hơn là nhân vật, đồng thời nhìn nhận ký như một thể loại của báo chí nhiều hơn văn học.
Ký là một “loại”, bao gồm nhiều “thể” khác nhau. Dung lượng, độ dài ở mỗi thể, mỗi bài cũng hết sức cơ động, linh hoạt. Nội dung phổ quát của ký vẫn là những ấn tượng nếm trải tươi mới, sự tiếp xúc với những con người, sự kiện đặc biệt, cùng với những kỷ niệm không thể lãng quên.
Vì cầm bút với ý thức của một chứng nhân đời sống, người viết ký có thể nắm bắt từ một hình ảnh nhỏ thoáng qua của dòng đời tới một phác thảo có ý nghĩa khái quát bản chất đời sống xã hội, trong khi vẫn chấp nhận cả những trang mô tả nhật trình của một chuyến viễn du lãng mạn.
Ngôn ngữ báo chí (journalistic language)
Là ngôn ngữ đặc trưng của các quá trình chuyển tải thông tin báo chí.
Báo in truyền thống bao gồm nhiều thể loại, mỗi thể loại lại có những yêu cầu ngôn ngữ riêng, phù hợp với đặc điểm truyền thông của thể loại. Do vậy ngôn ngữ báo chí một mặt được hiểu như là tổng thể các ngôn ngữ thể loại. Sự đa dạng của thể loại dẫn tới sự đa dạng của ngôn ngữ báo chí. Mặt khác, khái niệm ngôn ngữ báo chí được xác lập chủ yếu trong sự khu biệt với khái niệm ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời sống tự nhiên.
Trong tương quan so sánh đó, nếu như đặc trưng của ngôn ngữ văn học là tính nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ, thì đặc trưng của ngôn ngữ báo chí là tính chính xác, hàm súc, khách quan và hiệu quả truyền thông tối ưu, tức là nhằm chuyển tải trọn vẹn và nhanh chóng thông tin tới người nhận. Tin vắn là thể loại biểu hiện rõ rệt và tập trung nhất đặc trưng của ngôn ngữ báo chí.
Sự kiện (fact, event)
Là một hiện tượng vất chất, tinh thần nào đó đã xảy ra, được nhận biết là có ý nghĩa xã hội quan trọng, tức là ít nhiều thể hiện đặc tính chung của một tập thể cộng đồng, thời đại và nhân loại.
Trong hoạt động truyền thông, sự kiện được quan tâm như là một đối tượng phản ánh chủ yếu, trực tiếp và cấp thiết của báo chí và văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, bất cứ sự kiện nào cũng có hai mặt chủ quan và khách quan trong nhận thức con người.
Sự kiện nảy sinh, tồn tại trong giới hạn không gian và thời gian, cho nên nó có thể quan trọng từ góc độ nhìn nhận này mà lại không quan trọng ở góc độ nhìn nhận khác, có thể có ý nghĩa khi đặt trong quan hệ này mà không mấy ý nghĩa trong quan hệ khác.
Xuất phát từ lợi ích chung của nhân dân, đất nước và cộng đồng nhân loại, vì sự tiến bộ xã hội, người làm báo chân chính bằng tri thức, năng lực nghề nghiệp thường cố gắng nắm bắt và phản ánh đúng bản chất sự kiện. Khi đó sự kiện được chiếm lĩnh đúng tính cách một sự kiện báo chí, và dư luận công chúng được tiếp nhận thông tin như một sự tiếp nhận một chân lý khách quan của đời sống.
Từ bài viết trên; chúng ta đã có thêm những kiến thức quý báu về ngành Báo chí. Nếu bạn cũng yêu thích ngành học này và đang có nguyện vọng xét tuyển đại học ngành Báo chí thì hi vọng rằng bạn đã có thêm những hiểu biết nhất định với ngành; cũng như nhận định rõ ràng hơn về ngành học mà bản thân sẽ theo đuổi trong tương lai. Chúc bạn thành công!