Kiến thức
Thách thức và hạn chế của báo mạng
Sự ra đời của loại hình truyền thông điện tử đã mang lại rất nhiều giá trị tích cực; tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là nó hoàn toàn không có những hạn chế. Chúng ta nên nhìn nhận sâu sắc về các mặt trái, mặt phức tạp của truyền thông điện tử, những thách thức mà nó mang lại để có được những phương pháp ứng xử thích hợp.
Bên cạnh phát thanh – truyền hình, truyền thông điện tử dần trở thành một phần không thể thiếu đối với con người hiện đại. Với sự xuất hiện ngập tràn các website, sự mở rộng mạng lưới internet đến từng vùng, từng miền, từng khu vực, chúng có thể xuyên qua cả biên giới ngăn cách giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa và giữa các xu hướng chính trị. Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng: Quyền lực của một tờ báo chính là độc giả; độc giả càng đông, tác động đến xã hội càng lớn. Từ khuynh hướng xã hội của nó thì tác động đấy có thể tốt nhưng cũng có thể xấu. Bản thân độc giả nhiều khi cũng là nạn nhân. Bởi đứng trước một khối lượng thông tin trên các tờ báo mạng mang nhiều màu sắc chính trị khác nhau.
Không chỉ vậy, báo mạng cũng phải đối diện với một vấn đề lớn đó là có thể bị “biên tập” lại ngay khi đã được biên tập chỉnh sửa rồi. Với tình trạng ‘hỗn quân hỗn quan” hiện nay của Internet, điều này khó có thể tránh khỏi.
Mặt trái nữa của báo mạng, đó chính là việc có nhiều ý kiến cho rằng: tin tức trên báo mạng đôi khi chỉ chuẩn ở khái niệm “đưa tin nhanh nhất chứ chưa chắc đã đúng nhất hoặc có văn phong hay nhất”. Các mẩu tin viết vội mang tính thời sự cao được viết theo kiểu tin thư thì rõ ràng cái “thô” sẽ đầy rẫy. Các tin tức phá bỏ hầu hết các niêm luật, không có trọng chứng hay nói xa hơn là chưa mang đầy đủ tính đạo đức của báo chí truyền thống. Nhanh thì càng dễ ẩu và mắc nhiều sai sót. Chính vì vậy, với báo mạng phóng viên đôi khi cũng chính là các biên tập viên.