Kiến thức
Bạn đã thực sự hiểu đúng về giá trị ngành Văn học?
Trước đi, khi quyết định sẽ học gì khi vào đại học phần nhiều các bạn sinh viên có xu hướng lờ đi nhóm ngành khoa học xã hội và đương nhiên trong đó có văn học. Bởi lẽ, nhiều người vẫn còn khá mơ hồ về ngành học này.
Ngành Văn học có phải chỉ học văn chương
Hầu như khi nhắc đến ngành Văn học, mọi người đều hình dung ra một chương trình học toàn những tác phẩm văn chương, truyện ngắn, tiểu thuyết… khá nặng nề và không áp dụng được nhiều cho cuộc sống. Thực tế hoàn toàn khác, học văn giúp con người ta có cái nhìn tổng quan và nhận thức chân thực, toàn diện hơn về mọi mặt của đời sống. Nó tác động một cách vô thức đến tư tưởng và suy nghĩ của con người.
Văn học không chỉ học văn chương mà là ngành học tích hợp kiến thức liên ngành từ văn học đến văn hoá, ngôn ngữ và các kiến thức xã hội khác. Kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ gần gũi và cần thiết với đời sống của mọi tầng lớp, giúp người học nói, viết tiếng Việt đúng văn phạm và đạt hiệu quả cao trong giao tiếp.
Đâu phải chỉ có thể dạy học
Do tính chất đa dạng, phong phú nên ngành Văn học có cơ hội việc làm cao hơn bạn nghĩ rất nhiều, chứ không phải chủ có thể dạy học như quan niệm của nhiều người từ xưa đến nay. Hiện nay, nhu cầu biên tập, làm giấy tờ, văn bản hay chỉnh sửa văn bản ngày càng nhiều do đó sinh viên ngành Văn học sau khi ra trường có thể có công việc làm ngay, ổn định và đúng chuyên môn.
Thậm chí nhiều bạn sinh viên còn có thể thử sức bản thân ở các tòa soạn báo hay làm trong đài truyền hình. Từ đó để thấy được sự đa năng, linh hoạt của những sinh viên ngành Văn học.
Học kiến thức, dưỡng tâm hồn
Không chỉ cung cấp nguồn kiến thức phong phú, văn học còn giúp rèn luyện đạo đức và các phẩm chất tốt đẹp của con người. Nếu thức ăn nuôi sống cơ thể thì văn học là nguồn nuôi dưỡng tinh thần. Học văn cũng chính là học làm người.
Đến với ngành Văn học, bên cạnh những kiến thức “cứng” về văn chương, văn hóa ngôn ngữ, sinh viên ngành Văn học còn được tiếp cận các học phần mang tính thực hành cao phục vụ nghề nghiệp sau ra trường. Đồng thời, những kỹ năng giao tiếp – ứng xử, kỹ năng hành chính văn phòng, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng phỏng vấn xin việc đều sẽ giúp các bạn sinh viên tự tin, sớm thích nghi với công việc sau khi ra trường.
Khi xã hội ngày một hiện đại, yêu cầu về cách hành văn, lời lẽ ngày càng được đề cao; đây chính là thời điểm lên ngôi của ngành Văn học. Có thể nói “Nơi nào cần kỹ năng nói, viết nơi đó cần Văn học” điều này đồng nghĩa với việc ngành Văn học có vô số lựa chọn với môi trường làm việc đa dạng.