Kiến thức
Cái “sến” của văn học
“sến” là cách nói trệt đi của chữ “sen” (con sen) có nghĩa là bình dân. Nhưng “sến” còn mang nét nghĩa khác, đó là “sáo” (chỉ sự sáo mòn, cũ kĩ, sáo rỗng, đã được sử dụng quá nhiều, không còn hấp dẫn). Hơn bất kỳ thể loại nào thuộc về văn học và sáng tác, báo chí luôn cần có sự tươi mới. Thế nhưng, đâu đó trên các trang báo vẫn còn những cái “sến” đáng nói.
“Sến” ở nội dung
Báo chí thường rất hay ca ngợi những tấm gương làm việc tốt, có những tiến bộ trong đời sống xã hội,… làm như vậy thường nhằm phố biến, nhân rộng cốt để dân giàu, nước mạnh, văn minh. Tuy nhiên, không phải tất cả các bài báo đều nói đúng sự thật; vẫn có những trường hợp phô trương quá mức, thổi phồng các chi tiết khiến nhiều câu chuyện trở nên kệch cỡm, lố bịch quá mức.
Ngỡ rằng, tin tức sẽ không bao giờ bị xem là “sến” vì những giá trị của tin tức là sự kiện, sự việc tức thời. Ấy vậy mà, nếu ai cũng viết tin tức theo một cấu trúc như nhau thì ít nhiều nó cũng tạo nên sự nhàm chán trong báo chí. Để tránh việc đó, ở mỗi tin tức, người viết phải cân nhắc viết theo phương thức nào mới thật phù hợp; chính nó sẽ tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn cho bài viết của nhà báo.
Bên cạnh đó, vì một số thể loại báo chí có tính khuôn mẫu nên dễ gây nên cảm giác “sến” trong mô típ, như: phóng sự điều tra, phóng sự, bài phản ánh. Một số thể loại khác, như bài viết về người tốt việc tốt, gương điển hình-tiên tiến,… Nếu mô-típ bị lặp lại nhiều quá sẽ tạo nên sự nhàm chán cho người đọc. Để tránh “sến” về mô-típ, người viết cần có sự linh hoạt, biến hóa trong cách viết.
Hay ở hình thức
Bên cạnh nội dung, hiện nay nhiều người làm báo còn gặp phải một số sai lầm trong việc tạo nên sức hấp dẫn trong hình thức của một bài báo. Đầu đề (tít) là lối vào của một bài báo; nếu tít hay và lạ sẽ thu hút được người đọc; nhưng không phải vì vậy mà ta có thể chấp nhận việc sử dụng cách viết “giật tít’ nhằm câu khách. Điều này dẫn đến việc khi người đọc tìm hiểu về nội dung của bài báo thường cảm thấy chán nản vì không thấy gì mới đáng trông đợi.
Bên cạnh đó, việc kết thúc một bài báo ra sao để có thể lưu lại những ý nghĩa và thái độ của người đọc một cách lôi cuốn cũng là việc không hề dễ dàng đối với người viết báo. Chúng ta thường gặp nhiều kiểu kết thúc như: “Thay lời kết”, “Vĩ thanh”, “Giải pháp”, “Mai sau biết có…”, “Một kết thúc có hậu”,… Thật ra đó là những cách làm khác đi cho phần tựa kết thúc tác phẩm. Nhưng do có quá nhiều người dùng nên nó thành ra bị “sến”. Nếu đọc nhiều sẽ gây nhàm chán.
Với những người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc viết báo họ có thể tạo ra nhiều cách kết bài khác nhau, do đó mà gây được ấn tượng tốt về bài viết trong lòng người đọc.
Báo chí không đơn thuần chỉ là phương tiện cung cấp thông tin, nó còn là công cụ giúp truyền bá những tư tưởng, tin tức về các sự kiện, sự việc quan trọng xảy ra trong đời sống xã hội hằng ngày. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với nhà báo là làm sao vừa có thể đảm bảo chất lượng của bài báo ở nội dung cũng như hình thức vừa có thể tạo dựng được niềm tin nơi công chúng.
Pingback: Văn học và Chủ nghĩa Hậu hiện đại | Ngành văn học