Kiến thức
Chợ – Nét văn hóa rất riêng của người Việt
Chợ là một nét văn hóa rất đặc biệt trong đô thị Việt Nam, nói đến chợ là nói đến một biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc, vừa dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi vui bởi sự sôi động, ồn ào. Chẳng thế mà, chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút không chỉ với người dân địa phương, mà còn với cả du khách trong và ngoài nước.
Những nét thú vị…
Nhắc đến chợ Việt người ta thường nghĩ đến những ngôi chợ nổi tiếng, có lịch sử lâu đời như: chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba,… Bên cạnh việc giao thương, trao đổi, mua bán, thưởng thức những thú vui, thú ẩm thực dân dã, chợ còn là nơi giao lưu tình cảm của người dân tứ phương đến làm việc và cư trú xung quanh khu vực chợ.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu văn hóa Việt, nhắn đến chợ là nhắc đến một cái gì đó dân dã, vừa hồn hậu lại vừa dung dị, mới mẻ, vui tươi bởi sự sôi động, ồn ào. Đây chính là một trong những điểm cộng của Việt Nam trong mắt du khách trong và ngoài nước. Nhiều người đi du lịch thường tranh thủ ghé vào chợ địa phương, có khi mua bán thì ít mà thăm thú thì nhiều.
Chợ chính là nơi ta dễ dàng cảm nhận được cái không khí mang đậm bản sắc của vùng, miền. Hàng hóa ở chợ luôn tươi mới, phong phú, người dân tự do mua bán, thoải mái mặc cả. Đến với chợ truyền thống Việt Nam, hành hóa được bày bán không theo trật tự nào, mỗi gian hàng lại có một cách bài trí khác nhau, người mua kẻ bán thì ngược xuôi,… nhưng chính những điều đó đã làm nên một cái gì đó rất riêng mà khó có thể tìm thấy ở bất kì đâu trên thế giới.
… Và những giá trị văn hóa
Sau giải phóng, trong tiến trình đô thị hóa xảy ra liên tục, một số chợ truyền thống đac mất đi thay vào đó là các siêu thị, trung tâm thương mại, song chợ truyền thống vẫn là một phần không thể thiếu của người dân Việt Nam, nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cùng nhịp sống hối hả của thành thị.
Tuy sự xuất hiện của siêu thị và các trung tâm thương mại đã góp phần rất lớn trong việc phát triển đời sống người dân cũng như đẩy việc tăng trưởng nền kinh tế đất nước song, không ai có thể phủ nhận vị trí của chợ truyền thống trong cuộc sống hằng ngày của người Việt. Nó đã trở thành một cái gì đó rất gần gũi, đi sâu vào tiềm thức, vào tâm hồn họ bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen nhất.
Ngày nay, giữa bộn bề cuộc sống, giữa cái hối hả của thời đại mới, chợ truyền thống vẫn là sự lựa chọn của nhiều người; đôi khi không phải để mua, để bán mà đôi khi chỉ là muốn lưu giữ những kí ức, tìm về với hình ảnh “trông ngóng mẹ đi chợ về”. Thật không ngoa nếu nói chợ truyền thống là nơi kí gửi “cái hồn” xứ Nam.
Pingback: Văn hóa ẩm thực Việt với mâm cơm gia đình | Ngành văn học