Những công chúa có tầm ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam

Nhắc đến lịch sử, chúng ta vẫn thường nghĩ đến những người đàn ông “sức dài vai rộng”, những người thủ lĩnh kiên cường và mạnh mẽ chứ ít ai nghĩ nên những người phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam, đã có những người phụ nữ hy sinh lợi ích bản thân vì dân tộc. Họ là 4 người công chúa sống ở những thời đại khác nhau nhưng điểm chung là đã góp lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn, đó là Huyền Trân, An Tư, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa.

  1.     Huyền Trân công chúa

Huyền Trân Công Chúa (1287-1340) là một nhân vật lịch sử đặc biệt vào thời nhà Trần, nàng là con gái của vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông. Việc nàng thuận theo ý phụ vương là thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm phi của vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã góp phần thắt chặt tình bang giao giữa hai nước, tạo mối thâm tình để chống kẻ thù chung là giặc Nguyên Mông vẫn đang ngày đêm nhòm ngó. Và đặc biệt hơn nữa là việc dâng châu Ô, châu Lý của vua Chế Mân để cầu hôn nàng (vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế ngày nay) đã giúp nước ta mở rộng bờ cõi về phía Nam. Công lao của Huyền Trân công chúa đối với đất nước, đặc biệt là vùng Thuận Hóa xưa không gì sánh được. Chính vì vậy mà hậu thế đã tôn thờ Bà làm Người Mẹ Xứ Sở và tôn phong làm vị Phúc Thần – Vị Nữ Thần Anh Thư Nước Việt. Huyền Trân công chúa sống mãi trong tâm thức và tình cảm của bao thế hệ người dân Việt Nam…

Công chúa Huyền Trân được gả sang nước Chiêm Thành.

  1. An Tư

Những tư liệu còn lại về công chúa An Tư không nhiều. Đến nay, năm sinh năm mất của công chúa An Tư vẫn còn là câu hỏi lớn. An Tư công chúa, còn gọi là Thiên Tư công chúa, là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277).

Đầu năm 1285, quân đội nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thánh Tông Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9/3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua.

An Tư công chúa kết hôn với Thoát Hoan

Trước tình thế nguy nan ấy, An Tư công chúa đã tự nguyện hy sinh thân mình để cản bước tiến của giặc bằng cách kết hôn với Thoát Hoan, tạo điều kiện cho vua tôi nhà Trần có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Cuộc “hôn phối chính trị” của công chúa An Tư đã góp công lớn trong việc thay đổi cục diện chiến tranh. Từ đây, quân Trần có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, từng bước thay đổi cục diện để giành lấy thắng lợi cuối cùng.

  1. Công chúa Ngọc Vạn

Công chúa (công nữ) Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, không rõ năm sinh, năm mất, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi: 1613-1635). Công nữ Ngọc Vạn vốn nổi tiếng là người con gái tài sắc vẹn toàn. Công nữ đã hứa hôn cùng với chàng trai trẻ tuấn tú, văn võ song toàn là Trần Đình Huy, con trai của một dòng dõi anh hùng hào kiệt, gần gũi với nhà chúa Nguyễn.

Công nữ Ngọc Vạn vốn nổi tiếng là người con gái tài sắc vẹn toàn

Tuy nhiên, vì đất nước nên công nữ Ngọc Vạn đã chấp nhận gác chuyện tình riêng lại để kết hôn với quốc vương nước Chân Lạp. Vào năm 1620, Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và trở thành Hoàng hậu nước này với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đồng thời, cuộc hôn nhân cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

  1. Công chúa Ngọc Khoa

Công nữ Ngọc Khoa là em ruột cùng mẹ với công nữ Ngọc Vạn và được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua Chiêm Thành Po Ro Me. Không được lưu lại trong sử sách, Ngọc Khoa chỉ được biết đến trong các truyền thuyết của người Chăm…

Công nữ Ngọc Khoa được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua Chiêm Thành Po Ro Me

Theo sử Chăm, nhan sắc của Ngọc Khoa đẹp đến nổi mà chỉ một lần chúa Sãi cho Ngọc Khoa theo đoàn thương buôn vào Chiêm Thành mua bán hàng hóa, Po Rome vừa nhìn thấy đã mê mẩn, bần thần, từ đó chỉ còn mơ tưởng mau chóng gặp lại và sở hữu nhan sắc tuyệt trần kia. Biết được vua Po Rome bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của con gái mình. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, đã quyết định gả Ngọc Khoa cho Po Rome để hòa hoãn với Champa. Quan trọng hơn là tránh mối nguy bị Champa đánh úp sau lưng, đặc biệt là thực hiện những mưu đồ sau này. Cuộc hôn nhân năm 1631 của vua Po Rome và công nữ Ngọc Khoa được xem là cuộc hôn nhân lịch sử của Champa và Đại Việt.