Kiến thức
Trống đồng Đông Sơn – biểu tượng của một thời đại hào hùng
Theo cuốn Trống đồng Ðông Sơn (The VietNam – Social Science Publishing house – 1990), cố Giáo sư, Viện sĩ Phạm Huy Thông đã viết: “Trống Ðông Sơn là do người thời văn hóa Ðông Sơn tạo ra trên đất Việt cổ, khi ấy ở thời dựng nước đầu tiên. Nó là một sản phẩm tiêu biểu của người Việt cổ – tiền thân của Người Việt Nam ngày nay… Trong tình cảm của chúng tôi, những nhà khoa học trăn trở với văn minh và lịch sử cổ xưa của nhà nước, nhận thức sâu sắc về trống đồng loại 1 Heger, sản phẩm độc đáo với đặc trưng văn hóa Ðông Sơn”.
Trong quá trình khai quật khu vực khảo cổ Gò Bông, bên cạnh những di vật trong tầng văn hóa được thì thấy còn có một số di vật bằng đồng lớn như: Thạp Đào Thịnh, Thạp đồng Vạn Thắng, trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Vũ Bị,… Có thể xem đây chính là những tác phẩm vô cùng kỳ diệu, thể hiện đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật trong thời đại Hùng Vương.
Thời kỳ Hùng Vương được xem là một trong những thời kỳ rực rỡ nhất của nền văn minh cổ đại Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc với những nét văn hóa lịch sử kéo dài hơn bốn nghìn năm. Sự xuất hiện của những sản phẩm sản phẩm bằng đồng trên đã một phần khẳng định vị thế của thời đại Hùng Vương với những quốc gia cổ đại hùng mạnh của nhân loại.
Được xem là sản phẩm đẳng cấp của thời cổ đại – trống đồng thời vua Hùng mang trong mình những giá trị trải qua chặng đường dài phát triển hàng nghìn năm của dân tộc. Điều này được minh chứng cụ thể trên hàng chục chiếc trống đồng: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà, Miếu Môn,… Mỗi chiếc trống đều được khắc ghi thể hiện khá đầy đủ về một giai đoạn của xã hội đương thời.
Với phương pháp chế tác điêu luyện, những người thợ làm công việc đúc trống thời Hùng Vương đã tạo ra những chiếc trống đồng không những tinh xảo về kỹ thuật mà còn cân đối, hài hòa về thẩm mỹ. Đáng tiếc thay, cho đến nay vẫn có những người nghi ngờ: “ Có đúng người Việt Nam cổ đại đã làm được như thế không?”… Thật khó để tưởng tượng được người xưa đã phải kỳ công như thế nào để tạo ra được một chiếc trống đồng như vậy.
Đúc trống đồng có những đặc điểm kỹ thuật sau: trống kín ba mặt, hoa văn trang trí khắp trống và có hai quai.
Mẫu của trống có thể được làm bằng gỗ hoặc bằng đất. Trước khi làm khuôn phải nghĩ tới phương pháp rót, vì phải phụ thuộc vào cách rót mà người ta tạo ra khuôn khác nhau. Sau khi tạo được khuôn, ta phải đưa vào sấy, đối với một số loại trống lớn (như trống đồng Ngọc Lũ, đường kính lên đến 70cm) thường phải rót đùn sấp và rót đùn ngửa.
Khi xem qua các trống đồng Ngọc Lũ hay Hoàng Hạ chúng ta đều thấy các hoa văn rất sắc nét, quanh thân trống và các chỗ tiếp gián thân cũng như mặt trống không để lại vết đúc của các đậu rót, đây chính là rót theo các rót đùn. Muốn rót theo kiểu này nước đồng phải được nấu thật loãng, nhiệt độ từ 1.200 độ C đến 1.250 độ C. Có như vậy hậu hơi mới thoát hơi trên khuôn được.
Thông qua nhưng gì được nhìn thấy ở trống đồng Việt Nam, tiến sĩ Wihemlm G.Solhim II – người đã từng đặt ra vấn đề: “ Loài người biết trồng trọt và đúc đồng ở đâu trước?” đã có câu trả lời cho mình: “Bước đầu tìm đến văn minh này có thể phát xuất từ Đông – Nam Á”.
Cụ thể là ở Việt Nam – nơi những người thợ thủ công thời Hùng Vương đã trực tiếp nấu đồng, chế tác ra những chiếc trống đồng nổi tiếng được tìm thấy quanh khu di chỉ Đông Rền, Gò Bông, Đồng Đầu, Vinh Quang,… nơi từng là địa bàn của cư dân Văn Lang sinh sống ven sông Hồng vào giữa thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Việt Nam được xem chính là quê hương của những chiếc trống đồng cổ và là cái nôi trống đồng của vùng Đông – Nam Á, bởi không có một quốc gia nào ở khu vực lại có số lượng trống đồng nhiều, lớn và đẹp đến như vậy.
Trống đồng chính là biểu tượng của một thời đại hào hùng Việt Nam!