Kiến thức
Linda Lê – Người phụ nữ với “tiếng nói” lạ
Là nữ nhà văn gốc Việt nổi bật trên văn đàn Pháp hiện nay, Linda Lê luôn lưu giữ những ký ức tại Việt Nam và dành trọn tình yêu, năng lượng cũng như sự sáng tạo cho những “đứa con tinh thần” của mình.
Nhà văn Linda Lê
Linda Lê (1963) là một trong những nhà văn đang hoạt động tại Pháp. Bà sinh ra ở Đà Lạt, sang Pháp từ năm 14 tuổi cùng mẹ. Bà được biết tới lần đầu tại Pháp vào năm 1992 với tập truyện Phúc âm tội ác, sau đó, những tác phẩm tiếp theo của bà liên tục được bạn đọc đón nhận nhiệt tình: Vu khống, Lời tên khùng, Ba nữ thần số mệnh, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa,… Không chỉ vậy, Linda Lê còn nổi tiếng là một nhà viết tiểu luận, phê bình văn học xuất sắc tại Pháp. Truyện của Linda Lê là tiếng nói phản ảnh của thời đại biến động khó quên của một xứ sở. “Tiếng nói” của Linda Lê là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn người Pháp gốc Việt, với hồi ức của một người đàn bà tâm thần sống cô độc tại đất Paris.
Theo đánh giá của nhiều người, văn của Linda Lê là những lời độc thoại sám hối, đầy ám ảnh. Những câu văn ngắn, nối nhau thành những trang văn dài miên man, đó như là lời ăn năn,… từ đó nhà văn đã tạo nên một nỗi ám ảnh vô hình đè nặng lên từng trang viết. Nhưng cũng chính vì thế, mạch truyện xuyên suốt tác phẩm của nữ nhà văn luôn được đẩy lên ở nhịp độ cao khiến độc giả khó rời, chăm chú đi theo từng lời kể từng diễn biến của truyện. Ngoài ra, tác giả Linda Lê còn dùng những ngôn từ mạnh, nâng cao tính tương tác của thân phân nhân vật.
“Tôi đi tới lui trong căn hộ. Nghẹt thở vì lo âu. Với bàn tay còn lành lặn tôi tự bóp cổ mình, ấn các ngón tay nhọn vào da thịt. Tôi nện đầu vào tường. Các tiếng nói cười nhạo. Tôi soi gương thấy cái thân hình gầy guộc, con mắt ảo cuồng, trốn chạy nơi nào? Điện thoại reo. Tôi không trả lời. Tôi sợ, tôi không muốn nghe tiếng nói của kẻ đưa tin từ Tổ chức”.
Với giọng kể của người đàn bà sống với một cái tôi hoảng loạn, tác giả gần như đã lột trần những đau thương trong từng kiếp người, làm nổi lên mối quan hệ mật thiết và sự chọn lựa giữa mỗi cá nhân với gia đình và Tổ chức. Đọc tác phẩm, người đọc cứ quẩn quanh với những suy tưởng: liệu nỗi đau về chiến tranh, thân phận của con người đã chấm dứt chưa? Từ đó để thấy được rằng, dù có trốn chạy thế nào thì nỗi dằn vặt vẫn ở đó và sự sợ hãi ám ảnh không bao giờ ngừng trong suy nghĩ của người đàn bà điên.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Linda Lê đã gặt hái được nhiều thành công cho mình ở trời Tây như: Fénéon cho tác phẩm Les Trois Parques, giải Wepler cho tác phẩm Cronos…
Linda Lê là biểu trưng tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ của thời đại mới: độc lập, tài năng, sáng tạo, cá tính,… Tuy lớn lên từ nhỏ ở Pháp song, tận sâu trong tâm khản của bà vẫn là chân dung của một người con đất Việt với những trăn trở rất Việt, điều này ta có thể nhận thấy rõ qua nhiều sáng tác của Linda Lê.