Học văn đâu chỉ là “viết văn”

Có nhiều người cho rằng việc học văn không có nhiều tác dụng đối với công việc sau này hay đơn giản là họ cảm thấy việc học môn văn thật nhàm chán mà không mang đến lợi ích rõ ràng nào nhưng tại sao họ không tự đặt câu hỏi: Nếu như không mang lại lợi ích gì thì tại sao môn Ngữ Văn  vẫn được đưa vào giảng dạy tại các trường Trung học- Phổ thông, đặc biệt còn luôn là một trong những môn chính lấy điểm thi vào cấp 3 hay Đại học. Có lẽ đã đến lúc nhiều người nên thay đổi suy nghĩ về môn học này, bởi học văn đâu chỉ là “viết văn”.

Không chỉ giúp mở mang vốn kiến thức, văn học còn giúp con người cải thiện kĩ năng giao tiếp hằng ngày.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tác phẩm văn học luôn là hơi thở của thời đại, mỗi một tác phẩm là câu chuyện về một thời kì khác nhau, người nghệ sĩ sáng tác tác phẩm đó cũng chính là xứ giả, người đại diện cho thời kì mà họ sống để kể lại một câu chuyện.

Là một người viết văn, các tác giả luôn tự khắt khe với chính mình về việc phải làm sao truyền tải tốt nhất điều muốn nói, trau chuốt ngôn từ ra sao để tạo được màu sắc riêng nhưng lại không gây phản cảm; chính vì vậy mỗi tác phẩm văn học sẽ là một hệ thống ngôn ngữ vô cùng phong phú, đọc tác phẩm người đọc cũng đồng thời đang tiếp thu, lĩnh hội những cấu tứ ngôn ngữ trong đó từ đó mà trau dồi thêm vốn từ vựng của bản thân, giúp tăng khả năng giao tiếp với người đối diện.

Học văn, học làm người

Từ thuở lọt lòng ta đã được các bà các mẹ hát cho nghe về những làn điệu dân ca, những bài hát về tổ quốc dân tộc, lớn lên khi bắt đầu ngồi trong ghế nhà trường ta lại được học thêm về các tác phẩm văn học, những câu ca dao tục ngữ,… chính từ tất cả những điều nhỏ bé đó đã dần sản sinh trong ta một thù hình tổ quốc thân yêu, một lòng tự hào dân tộc hào sảng.

Mỗi bài văn, bài thơ đều là một bài học vô cùng ý nghĩa: có khi đó là bài học về đạo đức, về tinh thần tương thân tương ái, có khi đó lại là sự nhắc nhở uống nước nhớ nguồn, trung thành, lễ phép… Văn học không chỉ để đọc, để biết mà nó còn là để cảm, để thấu và từ đó ta tự xây dựng bản thân thành một con người tốt. Học văn còn là để học làm người.

Từ việc học văn đến sự đồng cảm với người khác

Hình minh họa
Hình minh họa

Mỗi bài văn là một câu chuyện, một cuộc đời. Đọc văn giúp ta biết thêm không chỉ những thứ tốt đẹp mà đôi khi đó còn là những sự khổ đau, độc ác, những nỗi bi thương, thống khổ, sự chia li hay nỗi cô đơn,… Từ đọc văn ta không chỉ tìm thấy sự đồng cảm, yêu thương với những người xung quanh mà ở đó bạn còn học được cách căm thù với cái ác, cái xấu xa.

Đến nay, việc người ta quan niệm: Học văn chỉ để viết văn, để trở thành nhà văn vẫn còn khá phổ biến nhưng với sự phát triển và thay đổi liên tục của xã hội thì môn Ngữ Văn nói riêng và các khoa học xã hội nói chung ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong cuộc sống hằng ngày của con người. Những điều kể trên chỉ là một trong cả trăm lí do khiến ta nên học văn và thay đổi suy nghĩ về môn học tuyệt vời này.