Kiến thức
Con rùa và tín ngưỡng Việt
Rùa vốn không còn là hình ảnh quá xa lạ đối với văn hóa Việt nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung. Nếu đã là người Việt không ai lại không biết đến Tứ linh, bao gồm: Long, Ly, Quy, Phụng; là bốn con vật linh thiên được sùng bái trong tâm thức tín ngưỡng người Việt từ ngàn đời nay. Rùa là biểu tượng của sự trường tồn, sống lâu, mãi mãi. Do đó, nên dân gian mới có câu “sống lâu như cụ rùa”
Xét trên bình diện khoa học, rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ khá cao trong thế giới động vật, đồng thời nó có một thân hình chắc chắn. Theo nghiên cứu, rùa có thể nhịn ăn uống là vẫn sống bình thường trong một thời gian dài. Có lẽ chính vì đặc điểm không ăn nhiều, nhịn ăn tốt nên nó mới được coi là con vật thanh cao, thoát tục.
Hình tượng con rùa từ lâu đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt; từ thờ cúng, lễ bái, cho đến cả trưng bày thì hình ảnh con rùa vẫn luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu. GS Ngô Đức Thịnh nhận thấy: “Trong các đền, chùa của người Việt, ta thường bắt gặp hình ảnh rùa đội hạc. Đây là cặp biểu tượng cho sự điều hoà âm dương, vững bền. Hay biểu tượng rùa đội bia đá như bia Tiến sĩ trong Văn miếu – Quốc tử giám, cũng với ý nghĩa để nói rằng, những vị trạng nguyên, những tiến sĩ sẽ được ghi danh từ đời này sang đời khác, bền vững mãi mãi”.
GS nói thêm: “Vì nó là con vật thiêng, nên người ta tỏ lòng kính trọng. Tuy nhiên, trước đây PGS Hà Đình Đức – một nhà rùa học – từng đề xuất nên xếp rùa Hồ Gươm vào danh sách những bảo vật quốc gia, thì tôi cho rằng chưa hợp lý. Bởi suy cho cùng, đó cũng chỉ là một sinh vật thôi, chứ đã là bảo vật quốc gia thì phải thực sự là vật quý, hiếm”.
Rùa đã xuất hiện trong truyện cổ tích từ thời An Dương Vương, theo tạo hình, từ năm 1126 người ta bắt đầu để rùa đội bia xuất hiện lại chùa Linh Ứng – Thanh Hóa; đến khoảng thế kỹ 15 thì bắt đầu xuất hiện hình tượng rùa đội hạc.
Theo các tài liệu văn hóa cũ,, người ta có nói: Rùa là linh vật tập hợp cả hai yếu tố âm và dương, bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum là biểu tượng của trời (dương). “Rùa đội bia” mang ý nghĩa của sự hạnh phúc, phát triển và chịu đựng. Rùa là con vật cao quý, nhiều khi nó là chủ của nguồn nước hay là linh vật của đất Phật.
Là linh vật tốt lành mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp: sự trường thọ, khả năng chiêu tài hóa sát, trấn trạch, thuận tài lộc, bền vững thịnh vượng; rùa là con vật của sự trường tồn, bất diệt. Đối với Văn hóa người Việt rùa đã trở thành một phần không thể thiếu, không chỉ là con vật đội bia mang ý nghĩa truyền tải thông tin và văn hóa của người đời, rùa còn là biểu tượng cho sự trường tồn của Phật giáo.