Kiến thức
Phê bình Nữ quyền trong văn học
Trong hơn nửa thế kỉ trở lại đây, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở khu vực châu Mỹ, đã và đang chứng kiến những chuyển biến vô cùng quan trọng liên quan mật thiết đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giới đang ngày một gia tăng, vị trí của phái nữ trong giới học thuật cũng ngày càng được khẳng định kéo theo đó là sự đi lên của học thuyết Nữ quyền; tác động đến nhiều bộ môn, các phạm trù khác nhau: triết học, lịch sử, ngôn ngữ học, hội họa hay cả đến nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật,… nhưng trước hết, nhận thấy rõ nét nhất là sự chuyển biến của văn học trong khoảng ba thập niên qua. Học thuyết Nữ quyền có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn nhất đến phê bình văn học, điều đó tạo ra sự thay đổi lớn lao trong việc bình giảng văn chương, ảnh hưởng đến quá trình cảm thụ văn học cũng như những chuyển đổi cả với ngành xuất bản. Điều thú vị ở đây là phê bình văn học Nữ quyền không chỉ có duy nhất một cách tiếp cận, một chiều vận dụng hay một định nghĩa mà ở đó có rất nhiều quan điểm, nhiều phương pháp và nhiều góc độ quan sát dẫn đến nhiều luồng tranh luận khác nhau. Tuy có nhiều tác động mạnh mẽ như vậy song, đến nay Phê bình văn học Nữ quyền gần như vẫn còn khá mới mẻ với giới phê bình, lý luận văn học Việt Nam.
Vậy Phê bình văn học Nữ quyền là gì?
Để hiểu được “phê bình Nữ quyền trong văn học là gì?” đầu tiên ta cần biết “Khái niệm nữ quyền (Feminism, women’s right) gắn liền với hoạt động chính trị và xã hội, sinh ra từ ý thức về sự bình đẳng trên phương diện giới. Nói một cách khái quát, khái niệm này chỉ quyền lợi về chính trị và xã hội của người phụ nữ. Thông qua những hoạt động đấu tranh chính trị và xã hội, giới nữ đòi lại những lợi ích chính đáng của mình để đạt đến sự bình đẳng với nam giới”
Từ đó ta có khái niệm “Phê bình nữ quyền”: “Là một trường phái phê bình văn học thoát thai từ phong trào chính trị xã hội, phát triển mạnh mẽ vào giữa thế kỷ XX, chủ trương xác lập một nền mỹ học, lý luận văn học và sáng tác văn học riêng cho nữ giới”.
Các giai đoạn của Phê bình văn học Nữ quyền
Phê bình văn học Nữ quyền xuất hiện là do sự tăng cao của sự bất bình đẳng về giới, vì nữ giới luôn bị áp bức, xem thường trong mọi hoàn cảnh. Thậm chí trong được cho đi học hay hưởng những quyền lợi giống nam giới.
Con đường của phê bình văn học Nữ quyền trải qua hai giai đoạn chính: Giai đoạn Hiện đại và giai đoạn Hậu hiện đại
– Giai đoạn Hiện đại (từ nửa sau thế kỷ XIX đến trước năm 1970 của thế kỹ XX): Giống như các đợt sóng ngầm âm ĩ, phong trào nữ quyền bắt đầu manh nha xuất hiện ở Mỹ và Anh, trở thành trào lưu với nhiều sức ảnh hưởng đến nhiều cây bút cùng thời đại, đặc biệt là những nhà văn nữ; họ bắt đầu nhìn thấy được vị trí của bản thân và việc phải đấu tranh vì quyền lợi của mình. Phụ nữ không chỉ sống trong phạm vi gia đình, bếp núc, con cái,… mà người phụ nữ còn có thể làm nhiều hơn thế. Trong thơi kì này ta có thể kể đến một số cái tên tác giả tiêu biểu như: Virginia Woolf (1882-1941), Simone de Beauvoir (1908-1986).
– Giai đoạn Hậu hiện đại (1970-đến nay): với những cái tên như Elaine Showalter (1941- ) hay Mary Ellmann (1921-1989) với những tư tưởng tiến bộ của mình về tính dục đàn bà hay trí tưởng tượng đàn bà đã làm thay đổi hình ảnh người phụ nữ rất nhiều so với thời kì đầu và những hình tượng này cũng rất khác so với những người phụ nữ được thể hiện trong những tác phẩm của các nhà văn nam.
Những phương thức tiếp cận Phê bình văn học Nữ quyền
– Phương pháp đọc kỹ: Thông qua phương pháp này bạn có thể thống kê, tổng hợp các luận điểm, luận đề một cách logic từ đó mà có cách tiếp nhận thuận lợi hơn.
– Phương pháp văn – lịch sử: Với phương pháp này ta sẽ có được cái nhìn khách quan nhất thông quan các bối cảnh lịch sử – xã hội – văn hóa cụ thể.
– Phương pháp so sánh: Bằng việc đặt đối tượng nghiên cứu trong mối quan hệ so sánh với một đối tượng cụ thể khác, từ đó sẽ làm nổi lên tính tương đồng hay khác biệt.
Bên cạnh những phương pháp được nhắc đến ở trên, khi nghiên cứu về phê bình Nữ quyền trong văn học ta còn có thể dùng đến các phương pháp khác như: thống kê, phân loại, tổng hợp,…
Không phải là phương pháp phê bình văn học duy nhất hay mới nhất nhưng lý thuyết Nữ quyền với giá trị văn hóa – văn học – lịch sử đã có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hệ thống tri thức và thiết chế văn hóa của loài người. Là là sóng mạnh mẽ, ảnh hưởng mạnh đến tư duy nhân loại, phê bình văn học Nữ quyền là hiện tượng có tạo ra động lực xã hội lớn, đầy sức lan tỏa. Là một nền văn học đậm chất truyền thống, chúng ta có thể trông đợi vào sự trở mình mạnh mẽ của phê bình văn học Nữ quyền ở Việt Nam trong tương lai hay không?