Kiến thức kỹ năng
Những phong tục trong ngày Tết nguyên đán của người Việt
Vào những ngày cận Tết như thế này, khi ai cũng vội vàng hoàn thành những công việc của năm cũ, khi những người xa quê đang nóng lòng muốn quay về quê hương để đón một cái Tết thật sự trọn vẹn thì chúng ta mới cảm nhận được Tết Nguyên đán là thời khắc thiêng liêng, cao quý và trang trọng đến nhường nào. Nó chất chứa những quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng mang đậm nét văn hoá dân tộc vừa sâu sắc lại vừa độc đáo, phản ánh sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên đất trời. Trong bài viết tuần này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Việt:
Tục tiễn ông Táo về trời:
Người Việt quan niệm rằng, ngày 23 tháng Chạp là ngày “thần bếp” lên chầu Trời để tâu lại tất cả công việc của gia đình dưới trần thế trong năm qua.
Bởi thế nên, trong ngày này, gia đình người Việt Nam thường làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa “ông Táo “. Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép con sống để làm phương tiện cho Táo quân lên chầu trời.
Đưa ông Táo về trời là tục lệ ở Việt Nam thường làm trong dịp tết nguyên đán
Sau khi cúng xong, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông… Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón tết.
Tục chưng hoa kiểng:
Hoa có thể được xem là linh hôn của ngày Tết, nếu thiếu hoa thì còn gì là ngày Tết nữa. Vì vậy chưng hoa kiểng ngày Tết là một nhu cầu làm đẹp của dân tộc ta có truyền thống từ ngàn xưa, hơn nữa nó còn mang đậm nhiều ý nghĩa. Vào những ngày gần tết, có rất nhiều chợ hoa mọc lên. Người dân sẽ đến đây, lựa chọn và mua những cây mình thích nhất để mang về nhà chưng. Chính vì thế, phải đến chợ hoa thì chúng ta mới cảm nhận rõ nhất hương vị ngày Tết.
Tục gói bánh chưng:
Trong triết lý âm dương, bánh chưng mang hình vuông tượng trưng cho đất, bánh dày có hình tròn tượng trưng cho trời. Đây chính là món ăn trang trọng, cao quý nhất mà người Việt sử dụng để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Không khí gia đình thêm nhộn nhịp khi gói bánh
Tục chưng mâm ngũ quả:
Ngày Tết, bàn thờ chính là nơi được chăm chút nhất bởi ai xa quê hay những người thân đến thăm nhà ngày Tết đều ghé bàn thờ thắp 1 nén hương như thể hiện sự lịch sự với người đã khuất. Chính vì vậy, vào những ngày Tết, bàn thờ của người Việt được trang hoàng lộng lẫy và nhất thiết phải chưng mâm ngũ quả.
Cái tên gọi ngũ quả bởi vì nó được làm từ 5 loại quả. Nhưng các vùng, các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo…
Mỗi quả mang một ý nghĩa:
Chuối – phật thủ: như bàn tay che chở.
Bưởi – dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
Hồng – quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Mâm ngũ quả trong Nam giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà các người xưa thường quan niệm là “cầu – sung – vừa – đủ – xài”.
Tục chưng mâm ngũ quả
Tục xông đất:
Người đến xông đất chính là người đầu tiên bước vào nhà khi qua giờ giao thừa, đặc biệt người này thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.
Những tiêu chí của người xông đất cũng tùy gia chủ. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuổi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều. Người được chọn xông đất phải khoẻ mạnh, tốt tính, lanh lẹ và gia cảnh khấm khá, hoà thuận…
Tục chúc Tết:
Tục chúc Tết là một nét văn hoá đẹp của người Việt
Tết Nguyên Đán là dịp để cho mọi thành viên trong gia đình vui vầy sum họp và gửi đến nhau những lời chúc trong năm mới. Tục chúc Tết là một nét văn hoá thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo trong một thứ tự phải có của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.