Vui cười trong ngành
Răng phải đen thì mới gọi là gái xinh
Nếu giới trẻ thời nay ao ước và làm mọi cách để có một hàm răng chắc khoẻ và trắng bóng thì ông bà ta ngày xưa lại chuộng hàm răng đen bóng. Nhuộm răng chính là phong tục cổ truyền của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương và kéo dài đến tận thế kỉ 20.
Khi chưa tìm hiểu kỹ, chúng ta thường nhầm rằng người Việt Nam có răng đen vì nhai trầu nhiều. Thực ra chúng không có liên quan gì với nhau.
Người Việt Nam bất cứ giới tính nào thì chừng 16, 17 tuổi đều nhuộm răng. Đây là cột mốc quan trọng đối với các bạn. Vì nguyên liệu dùng để nhuộm răng thường nồng và cay, nên môi và lưỡi đều sưng nên chỉ ăn đồ lỏng hoặc đồ không nhai đến cả tháng. Trong thời kỳ nhuộm, để cho thuộc ăn chặt vào răng, nên cũng vì lẽ ấy mà phải kiêng nhai đồ cứng.
Răng đen là một trong những tiêu chí đánh giá vẻ đẹp người Việt xưa.
Ngày đó, ở nước ta, ai để răng trắng là người bất chính, bị thiên hạ chê cười. Những câu “Răng trắng như răng chó”, “Răng trắng như răng ngô”, “Răng trắng hếu” đều có hàm ý chê bai.Ngược lại các câu: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen”, hay “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn thương răng nhánh hột huyền kém thua” đã thể hiện người đẹp thế nào mà răng không đen nhành thì nhan sắc cũng giảm. Bởi vậy, nhuộm răng rồi mà giữ cho nó đẹp thì còn phải dùng thuốc xỉa để giữ cho răng được luôn luôn đen bóng.
Tài liệu cho rằng, tục nhuộm răng đen được duy trì cho đến năm 1948, khi Hoàng Cầm viết bài thơ Bên kia sông Đuống, tục nhuộm răng đen vẫn còn: “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”. Nhưng thực tế, từ đầu thế kỷ XX, ở các thành thị lớn của Việt Nam, tục ăn trầu và nhuộm răng đã suy yếu nhiều. Thanh niên nam nữ phần nhiều không ăn trầu, để răng trắng. Phong tục nhuộm răng đen ít đi, dần dần biến mất.