Tin tức ngành báo chí
Văn học hướng con người đến chân – thiện – mỹ
“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”
Nhà văn Nga Tolstoi đã từng viết: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Đó là một tình yêu bao gồm cả sự hi sinh to lớn. Tác phẩm chân chính đúng là sản phẩm của trí tuệ, trái tim, mồ hôi và cả nước mắt nữa của người nghệ sĩ, là kết quả của quá trình nếm trải, nung nấu, cảm xúc dào dạt – cái mà người ta gọi là cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật.
Văn học là sản phẩm được làm nên từ cảm xúc của con người
Văn học là sản phẩm được tạo nên từ cảm xúc của con người
Không ai làm thơ làm văn trong trạng thái khô cằn, không cảm xúc. Cảm hứng ấy có thể bắt đầu từ niềm vui hay nỗi buồn nhưng với nghệ sĩ chân chính thì chẳng bao giờ có niềm vui hời hợt, giản đơn. Bởi vì cuộc sống của mỗi con người, trong tính hiện thực của nó, niềm vui luôn luôn đi đôi với nỗi buồn, ánh sáng luôn tồn tại bên cạnh bóng tối, cái xấu luôn luôn xen lẫn bên cạnh cái tốt, hạnh phúc thường đi liền với khổ đau, bất hạnh…Và những khổ đau của con người xưa nay vốn là nỗi nhức nhối, bức xúc nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút.
Văn học hướng con người đến chân – thiện – mỹ
Tuy nhiên không phải cứ cầm bút lên là sẽ có một tác phẩm văn học. Bởi có thứ văn chương bất tử, sống mãi với muôn đời nhưng cũng có thứ văn chương rẻ tiền sẽ bị quên lãng với thời gian. Và lúc này đây, chủ nghĩa nhân đạo, lòng yêu thương tôn trọng con người lại xuất hiện như là thước đo căn bản nhất để đánh giá mọi giá trị văn học chân chính.
Cái tài của nhà văn chính là nằm ở khả năng nhân đạo hóa con người, làm cho con người tin hơn ở những điều thiện, ở khả năng vươn tới cái cao cả, kể cả những con người đã trải qua và chịu đựng những điều ác khủng khiếp do xã hội và có khi do chính mình gây ra.
Mặt khác, nói tới quá trình nhân đạo hóa của văn học không phải chỉ là khả năng gợi lòng trắc ẩn, động tâm, thương cảm mà còn bộc lộ ở sự tự ý thức về bản thân, tự nhận diện bản thân trước những điều xấu, tốt, thiện, ác… mà tác phẩm gợi lên.
Không thể nào có thể nói hết khả năng nhân đạo hóa của văn học đối với con người. Nhưng quả thật, đọc một tác phẩm văn học chân chính, ta có cảm giác thật hạnh phúc và sung sướng như nó đang hiểu chính mình, cảm thông chia sẻ với nỗi khổ đau của của mình trong đời sống, như đang được đón nhận ý chí, niềm tin, nghị lực.
Văn học khiến con người mãnh liệt hướng tới cái chân, thiện, mĩ và những nhà văn chân chính chính là những sứ giả đã và mãi mãi sẽ đem lại cho con người nghị lực trong cuộc sống, vì hạnh phúc của con người.