Tin tức ngành báo chí
Cuộc cách mạng Báo chí 4.0
Trung tâm của cuộc cách mạng 4.0 là giao tiếp giữa các nền tảng thông minh như các hệ thống di động thông minh, hệ thống nhà máy thông minh hay các hệ thống tòa nhà dân dụng thông minh. Ngoài ra, liên kết, xử lý thông tin qua mạng xã hội hay nền tảng web cũng ngày càng trở nên quan trọng trong kỷ nguyên số. Các nền tảng này được xây dựng dựa trên mạng các dịch vụ, dữ liệu và con người. Ngành Báo chí cũng theo đó có nhiều sự thay đổi lớn. Vậy cuộc cách mạng Báo chí 4.0 là gì?
Cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, trong đó có báo chí.
Nó tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, gồm: Nhà sản xuất, sản phẩm báo chí truyền thông và các nhóm công chúng. Có thể thấy rõ một số xu hướng sau:
Các sản phẩm báo in truyền thống sẽ được thay thế bằng kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality – VR) và thực tại ảo tăng cường (Augmented Reality – AR), hình thành “báo nhúng”. Ở đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả xúc giác và cảm xúc, như được tham gia đúng vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều – nơi có thể tái hiện lại sự kiện, nhân vật, âm thanh được mô phỏng lại đúng như ở hiện trường.
Bên cạnh đó, công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 3G, 4G, mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm gia tăng đột biến số lượng độc giả tiếp cận với thông tin qua các thiết bị thông minh.
Các sản phẩm báo chí phải thay đổi cả về tiêu chí cũng như sự sáng tạo trong nội dung và hình thức trình bày. Những bài viết, bài phản biện các vấn đề nóng trong xã hội, những dòng bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng, phải thay bằng sản phẩm thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, các video clip livestream trên mạng xã hội, hay các bản tin rap news…
Khách hàng – độc giả, giá trị tri thức, tư tưởng, giá trị kinh tế và giải trí của báo chí truyền thông cùng thay đổi, tất yếu dẫn đến sự thay đổi của các nhà sản xuất. Các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi quy trình, phương thức sản xuất kinh doanh theo hướng năng động và sáng tạo hơn.
Bằng hình thức “lắng nghe” mạng xã hội, các nhà báo sẽ nhanh chóng phát hiện những xu hướng được độc giả thích và chia sẻ nhanh, nhiều nhất để từ đó tập trung vào các lĩnh vực được công chúng quan tâm và có biện pháp khắc phục đối với những lĩnh vực kém ưa thích hơn. Hầu hết các cơ quan báo chí rất chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cho ra đời những sản phẩm báo chí đẹp mắt, thu hút độc giả.
Sự xuất hiện của robot nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Đã có rất nhiều công nghệ mới ra đời dành cho lĩnh vực báo chí như viết tin tự động. Máy tự học có thể “viết” những tin đơn giản với tốc độ nhanh, tạo ra nhiều phiên bản khác nhau cho nhiều đối tượng. Công nghệ cũng hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.
Trong tương lai, công nghệ viết tin tự động sẽ cạnh tranh việc làm với phóng viên. Ví dụ: Phần mềm tự động viết tin tức tài chính đã được hãng thông tấn AP đưa vào sử dụng từ năm 2014 với tốc độ lên tới 2.000 bản tin/giây và tiếp tục được mở rộng sang lĩnh vực khác.
Ngành xuất bản đang có bước chuyển dịch nhanh chóng sang môi trường internet, điện tử. Việc ngày càng nhiều người sử dụng sách điện tử (ebook) đặt ra vấn đề sinh tồn với ngành xuất bản gắn với công nghệ in trên giấy.
Công nghệ in 3D, hoặc sản xuất đắp dần (additive manufacturing) là quá trình tạo ra một đối tượng vật lý bằng cách in đắp các lớp từ một bản vẽ kỹ thuật số hoặc mô hình ba chiều.
Hãy tưởng tượng như việc tạo ra một ổ bánh mì, theo từng lớp một. Công nghệ in 3D tạo ra các sản phẩm rất phức tạp mà không cần các thiết bị phức tạp, nhằm đưa các vật thể từ lý thuyết ra thực tế. Nhiều loại vật liệu khác nhau sẽ được sử dụng trong máy in 3D, chẳng hạn như nhựa, nhôm, thép không gỉ, gốm thậm chí các hợp kim cao cấp. Trong lĩnh vực báo chí, máy in 3D có thể được ứng dụng để tạo ra những sản phẩm mang tính tương tác cao.
Với sự phát triển không ngừng nghỉ của công nghệ và đời sống, các ngành nghề bắt đầu phải đối mặt với những sự thay đổi. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào vừa thay đổi cho phù hợp với xã hội nhưng vẫn giữ được nét đặc thù riêng? Với sự thay đổi của ngành Báo chí như trên chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thắc mắc này.