Kiến thức
Văn hóa ẩm thực Việt với mâm cơm gia đình
Trong thời đại ngày nay, mọi thứ đều trở nên vội vã hơn, người ta: sống vội, nghĩ vội và ăn cũng vội, dần dần nét đẹp mâm cơm gia đình của người Việt gần như không còn nữa, bởi mỗi người đều có một công việc riêng, một thế giới riêng và họ “ích kỷ” khi phải dừng công việc của mình vì một điều gì đó. Với họ bữa ăn nào cũng vậy, nhưng họ không biết được rằng đằng sau mâm cơm gia đình là vô số những giá trị tốt đẹp.
Bữa ăn chính là nơi để gắn kết, là những kỷ niệm đẹp để những người con đi xa nhớ về,là sức mạnh kéo mọi thành viên trong gia đình xích lại gần nhau sau những ngày tháng quy cuồng tất bật ngoài xã hội.
Bên cạnh việc làm nhu cầu thiết yếu của con người, ăn uống còn thể hiện nét đặc sắc văn hóa, triết lý sống của một dân tộc, một quốc gia. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Mâm cơm gia đình còn chứa đựng nhiều ý nghĩa và giá trị sâu sắc mà chúng ta chưa thể hiểu hết được.
Ý nghĩa từ một bữa ăn
Trong bữa cơm gia đình Việt luôn ẩn chứa nhiều tư tưởng cao đẹp, nó là biểu tượng của tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong cùng một gia đình thông qua việc cùng nhau dùng bữa và trò chuyện. Còn gì tuyệt vời hơn, sau một ngày làm việc vất vả, mọi người trả về nhà cùng quây quần bên mâm cơm kể cho nhau nghe về một ngày đã qua, mâm cơm dù đạm bạc hay sang trọng thì ở đó cũng đầy ắp niềm vui và tiếng cười.
Đối với những người phải đi xa quê, làm ăn xa nhà, mỗi lần nhớ về hình ảnh người mẹ thân yêu đang cắm cúi trong bếp để nấu từng món ăn, về hình ảnh người cha dạy con từ cách cầm đũa đến cách thưa hỏi người lớn trong mâm cơm, về hình ảnh người bà gấp từ gắp thức ăn cho cháu,… khiến con người ta thêm chạnh lòng và chỉ muốn chạy ngay về nhà để được thưởng thức cái “mùi vị” của bữa cơm gia đình mà thôi. Mọi cao lương mỹ vị trên thế gian này cũng không thể sáng bằng cơm mẹ nấu.
Văn hóa trên mâm cơm Việt
Không ở bất kỳ đâu người ta lại gọi bữa cơm gia đình là “mâm cơm” như người Việt; từ xa xưa người Việt có thói quen dọn cơm vào mâm, tất cả các món ăn được dọn chung trên một mâm và cùng một lúc. Vì tất cả các món đều ở trong cùng một mâm nên các thành viên phải cùng ngồi xuống, quây quần với nhau tạo nên một không gian ấm cúng, gần gũi.
Việc vừa dùng cơm vừa trò chuyện giúp mọi người hâm nóng tình cảm gia đình, duy trì sự gắn kết, nhất là trong cái thời đại mà những thứ nhanh gấp đang lên ngôi như hiện nay.
Mâm cơm của người Việt còn thể hiện tinh thần “kính trên nhường dưới”. Người miền Bắc trước khi vào bữa thường có thói quen mời cơm, người nhỏ mời người lớn, người lớn thì thường chờ cho con cháu xuất hiện đông đủ rồi mới ngồi vào mâm, động vào bát. Càng nhỏ tuổi thì càng được ưu tiên trong bữa ăn gia đình; những miếng ngon nhất, cơm trắng dẻo nhất đều được dành cho những thành viên bé tuổi nhất nhà, từ đó thể hiện sự yêu thương, bao bọc, che chở của các thành viên trong gia đình.
Ca dao có câu: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”; với người đi xa mỗi khi nhớ về quê hương, xứ sở thứ họ nhớ đến đầu tiên chính là bữa cơm quê nhà, khắc sâu trong tâm thức của từng người hình ảnh mâm cơm và sự đoàn viên gia đình luôn là thứ đẹp đẽ nhất.
Mâm cơm gia đình không chỉ là ngọn lửa gìn giữ hạnh phúc, tình yêu thương sự gắn bó và nuôi dưỡng tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình, nó còn là nét đẹp văn hóa trong ẩm thực người Việt. Trải qua muôn vàn thăng trầm lịch sử dân tộc nhưng mâm cơm người Việt vẫn vẹn nguyên những giá trị ban sơ, những ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ.
Pingback: Nét độc đáo trong tranh dân gian | Ngành văn học