Kiến thức
Thơ Haiku – vẻ đẹp tâm hồn người Nhật
Nếu lục bát tạo nên nhân cách người Việt thì thơ Haiku chính là vẻ đẹp tâm hồn của người Nhật Bản. Thơ Haiku của Nhật Bản chính là một phần tài sản trong kho tàng văn hóa Á Đông vĩ đại và giàu sang. Nhưng để chúng ta – những con người hiện đại hiểu hết được những giá trị ẩn sâu trong từng câu chữ của thơ Haiku mà người xưa để lại thì vẫn còn phải cố gắng nhiều.
Thơ Haiku là sự dung hợp và kết tinh của nhiều giá trị trong những dòng văn hóa ẩn sâu của phương Đông từ Ấn đến Nhật. Do đó, thể thơ mới có dạng nhỏ nhắn kiệm lời mà tinh thần Phật giáo, hơi thở Thiền tông vẫn tràn đầy trong từng “thớ” chữ. Ngoài ra, thơ Haiku còn phảng phất hương sắc của nghệ thuật cắm hoa ikebana và không khí trà đạo chanoyu phát triển từ thế kỷ XIV với tinh thần căn bản là chân phương, hòa điệu và thanh tịnh. Haiku dường như còn ẩn dấu trong nó vẻ u huyền của kịch mặt nạ Nô.
Thơ Haiku thường dựa trên các câu 5-7. Theo nhịp căn bản, xuất hiệu hình thức thơ nối cuối thời trung cổ. Lối làm thơ này giống như liên ngâm của ta. Để làm thơ nối, thông thường sẽ có vài ba người tham dự, họ luân phiên soạn các đoạn thơ. Cứ đoạn ba câu, đoạn hai câu. Đề tài đoạn đi trước quy định, như: mùa xuân, cuộc hành trình, sự nghèo khó, tình yêu,…
Giọt sương buồn phiền
Và cũng đau cho nỗi
Bông hoa ở lại sau mình
Sôgi
Trong sương mờ bóng tối
Tia nắng cuối lung linh
Shôhaka
Thơ Haiku đầy tính cô đọng, khi nhìn vào một bài thơ Haiku ta sẽ thấy ngay được đặc điểm đặc biệt này. Giống như những hình thức thơ khác của khu vực Á Đông, thơ Haiku cũng đề cao tính ngắn gọn, cô đọng trong hình thức, nhưng không vì thế mà thơ hời hợt mà trái lại có một sức chứa ý nghĩa vô cùng đáng kể, mang toàn bộ ý tình của con người. Haiku bao giờ cũng biết cách để trống, tức là tạo một khoảng chân không trong thơ. Khoảng không này có thể nói là rất cần thiết.
Nhắc đến thơ Haiku ta không thể không nhắc đến các cảm thức của người Nhật: Sabi, Wabi và Karumi.
Sabi hiểu theo cách đơn giản đó chính là cảm thức về sự tịch mịch, sâu xa vô hạn của sự vật, nhìn thấy sự vật tự bộc lộ một cách kỳ diệu. Sabi nghĩa là cô đơn nhưng là “niềm cô đơn huy hoàng. Đây là một cảm thức hùng vĩ giống như cái cao cả trong Mỹ học thế giới, chứ không phải là nỗi cô đơn cá nhân. Sabi không phải là cái bi lụy cá nhân.
Đến với cảm thức Wabi lại là một sự trải nghiệm khác, Wabi thực sự liên can đến sự vật bình thường, wabi cũng có nghĩa là cô đơn nhưng nó lại ám chỉ đến điều kiện sống, đến tình cảnh trong khi Sabi gần gũi hơn với cảm xúc thẩm mỹ. Đó chính là sự nhận thức bất ngờ về cái “như thế” của sự vật, những sự vật bình thường nhất.
Cảm thức wabi còn được dùng để diễn tả linh hồn của trà đạo, trong trường hợp đó nó được gọi là “wabi-cha”.
Karubi – là từ bắt nguồn từ chữ Karushi (nghĩa là nhẹ nhàng, thanh thoát); karumi là sự dung hợp của tính chân phương trong phong cách và sự tinh tế của nội dung.
Trong thơ Haiku không chỉ xuất hiện hình ảnh thiên nhiên với bốn mùa luân chuyển, ở đó còn thắp thoáng hình bóng con người nhưng con người trong thơ Haiku lại rất khác, họ không chấp nhận thụ động cuộc sinh tồn. Con người ở đây không thể bị ném vứt, không bị kết án vào sinh tồn như các triết lý suy đồi đặc tả. Con người trong thơ Haiku mang sức mạnh của vũ trụ trong bản thể của mình, có thể đi trên vực thẳm như một cách hoa tươi:
Cầu treo vực thẳm đời
Quanh dây thừng quấn quýt
Những nhánh thường xuân tươi
(Bashô)
Haiku làm cho con người nhìn nhận lại cuộc đời, hân thưởng với cuộc đời hơn, sống giản dị, có niềm vui thâm trầm và thâm mật nảy sinh trong giao tiếp với vạn vật, với mọi người xung quanh. Cái đẹp của Haiku là sự nối tiếp cái đẹp của thơ cổ điển Việt Nam trong kho tàng thơ ca Đông Dương. Tiếp thu thơ Haiku có chọn lọc, ta sẽ có tầm nhìn rộng hơn.