Kiến thức
Nét đẹp văn hóa từ Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung hay còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc là “lễ hội tình yêu”, thường được tổ chức vào ngày mùng 10 đến 12 tháng 2 (Âm lịch), tại đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch) thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến tình yêu bất tử của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung; đồng thời là sự tôn vinh công lao của Đức thánh Chử cùng nhị vị phu nhân đã mở mang bờ cõi, cứu nhân độ thế.
Theo truyền thuyết kể lại, đền Đa Hòa là nơi chàng trai nghèo Chử Đồng Tử gặp được nàng công Tiên Dung xinh đẹp – con gái vua Hùng Vương thứ 18. Đền Hóa Trạch là nơi Đức thánh Chử cùng nhị vị phu nhân về trời. Đều đặn 3 năm một lần, lễ hội trở thành một nét văn hóa độc đáo, với quy mô tổ chức lớn, cứ mỗi dịp tổ chức lễ hội lại thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham dự.
Dù đã rất nhiều năm trôi qua, trãi qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt song, lễ hội vẫn giữ được nhiều nghi lễ cổ truyền độc đáo của nó. Nổi bật trong lễ hội là phần rước Thành Hoàng làng của 9 làng thuộc Tổng Mễ xưa về đền Đa Hòa. Bên cạnh đó còn có lễ rước nước đặc sắc với sự tham gia của đoàn thuyền rồng khổng lồ, ra giữa dòng sông Hồng lấy nước về lễ Thánh. Trong sự hồ hởi của người đến xem hội, từng hồi trống vang lên giữ sự uy nghi, chỉnh tề của đoàn rước lễ. Có tính chất vô cùng quan trọng, lễ rước nước là nghi thức tâm linh rất đặc sắc, thể hiện đặc trưng của cư dân sống ở ven sông Hồng với văn hóa lúa nước. Người dân khu vực này tổ chức lễ hội không chỉ muốn tưởng nhớ đến Chử Đồng Tử và Tiên Dung mà còn muốn gửi gắm mong ước sẽ có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngoài việc được xem lễ hội rước nước đầy đặc sắc, du khách khi đến đây còn có cơ hội được thưởng thức điệu múa “Đĩ đánh bồng” vô cùng độc đáo. Đó là điệu múa mà các chàng trai hóa thân thành nữ, mặc những trang phục sặc sỡ, đội khăn mỏ quạ, đeo trống cơm nhảy múa, lúng luyến cười làm cho không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt.
Hơn thế nữa, trong thời gian lễ hội diễn ra còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống giao lưu văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: Cờ tướng, bơi chải, hát trống quân, đập niêu đất,…
Mang ý nghĩa văn hóa Việt sâu sắc, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung là bức tranh phong phú, sinh động về đời sống của người Việt từ hàng nghìn năm trước ở vùng đồng bằng Bắc bộ trong công cuộc khai phá vùng đầm lầy, phù sa ven sông Hồng. Đồng thời, đây cũng là bài ca về lòng hiếu thảo, vai trò của người thầy thuốc, phản ảnh ước mơ bình dị của người dân trong xã hội phong kiến, thể hiện ước mong tự do yêu đương, tự do hôn nhân, thoát khỏi những lễ giáo cổ hủ.
Hòa trong không khí “lễ hội tình yêu”, du khách ghé thăm nơi đây sẽ khó mà quên được không khí dòng người trẩy hội, những tiếng cười, niềm vui, sự gắn bó giữa người với người thông qua nhiều trò chơi tập thể. Được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống trong lễ hội sẽ là điều tuyệt vời đối với những ai từng một lần ghé thăm nơi đây.