Kiến thức kỹ năng
Những câu hỏi hay về tuyển sinh Đại học ngành Văn học 2019
Chọn ngành học để theo đuổi chưa bao giờ là việc dễ dàng. Trong xã hội hiện nay có rất nhiều ngành nghề cho bạn lựa chọn. Được đánh giá là ngành học có cơ hội nghề nghiệp khá rộng mở, ngành Văn học đang nhận được sự quan tâm khá lớn từ thí sinh và đặc biệt là quý phụ huynh. Cùng tìm hiểu các thông tin bên dưới để xem bạn có thích thú với ngành học này hay không nhé!
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
Theo học ngành Văn học, trước hết bạn cần có sự yêu thích, niềm đam mê viết lách, biết học hỏi, tìm tòi để nâng cao khả năng viết của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng cần các phẩm chất, kỹ năng như:
– Năng động, tự tin, có trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc.
– Suy nghĩ sâu sắc, độc lập, sáng tạo, khả năng tư duy logic.
– Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, nghiên cứu.
Các cơ sở đào tạo
Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành Văn học như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Khoa học Huế, Đại học Quy Nhơn, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Võ Trường Toản…
Riêng Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) thì đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo ngành Văn học từ 2011. Đến 2017, để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội, trên cơ sở ngành đào tạo được Bộ GD&ĐT cho phép, Hiệu trưởng nhà trường đã quyết định tổ chức tuyển sinh đào tạo chuyên ngành Văn Báo chí thuộc ngành Văn học. Theo đúng Thông tư 19 của Bộ GD&ĐT thì trên bằng tốt nghiệp khi ra trường sẽ chỉ ghi tên ngành. Tên chuyên ngành Văn Báo chí thuộc ngành đào tạo Văn học, điểm số từng học phần sẽ được ghi cụ thể trên bảng điểm để sinh viên có thể nộp cho doanh nghiệp khi có nguyện vọng tuyển dụng.
Cách đăng ký xét tuyển
Thông thường sẽ có 2 hình thức xét tuyển là xét kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và Xét tuyển bằng Học bạ THPT. Ngành Văn học thường xét tuyển các tổ hợp môn sau: Văn, Sử, Địa (C00); Văn, Toán, KHXH (C15); Văn, Toán, Anh (D01); Văn, Toán, Địa (C04); Văn, Toán, Sử (C03). Tùy vào mỗi trường sẽ có tổ hợp môn xét tuyển khác nhau ở mỗi hình thức. Bạn nên theo dõi thông tin cụ thể trên website của trường bạn mong muốn theo học để nắm chính xác nhé.
Một số trường cũng có xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh năm 2019 của Bộ GD&ĐT và xét tuyển thẳng theo quy định của trường. Ví dụ như Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) sẽ xét tuyển thẳng những thí sinh:
– Tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi từ các trường Chuyên của thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh;
– Tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi và có tổng điểm 3 môn xét tuyển lớp 12 cộng với điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có) đạt từ 24 điểm trở lên;
– Thí sinh đạt giải Khuyến khích các cuộc thi Olympic, Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia, đạt giải Khuyến khích, Nhất, Nhì, Ba cuộc thi Olympic, Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có điểm học bạ theo tổ hợp môn xét tuyển từ 18 điểm trở lên.
Học bổng cho mùa tuyển sinh 2019
Cũng như mọi năm, mùa tuyển sinh năm 2019, nhiều trường đại học trên cả nước tiếp tục công bố quỹ học bổng lên đến tiền tỷ để thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Theo phương án tuyển sinh dự kiến, các gói học bổng sẽ dành các thí sinh đạt điểm cao trong Kỳ thi THPT quốc gia, đạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi,…
Điển hình như Đại học Duy Tân, năm nay trường có hơn 2.500 suất học bổng với tổng trị giá hơn 38 tỷ đồng cho mùa Tuyển sinh 2019. Trong đó có 50 suất giảm 15% học phí cho ngành Văn học (chuyên ngành Văn Báo chí). Điều kiện để đạt được học bổng là tổng kết quả 3 môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển từ kỳ thi THPT Quốc gia bằng hoặc cao hơn mức điểm chuẩn. Học bổng được tính theo thứ tư ưu tiên nộp hồ sơ đăng ký của từng đợt xét tuyển và đảm bảo số suất theo quy định.
Nếu đạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí sinh trúng tuyển sẽ được cấp học bổng 5.000.000 đồng/năm học đầu tiên. Lưu ý là học bổng không được phép chuyển nhượng cho người khác. Trường hợp thí sinh đạt yêu cầu ở nhiều tiêu chí học bổng thì sẽ chọn mức học bổng cao nhất.
Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên ra trường có thể làm việc ở nhiều vị trí công việc như:
– Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các viện và các trung tâm nghiên cứu về Văn học, Báo chí, Truyền thông.
– Sáng tác ca từ nhạc; phê bình văn học nghệ thuật; nhà thơ, nhà văn.
– Nhân viên hành chính, quản trị văn phòng, quản lý hệ thống văn bản ở các cơ quan văn hóa, chính trị và kinh tế; hoặc làm trong các doanh nghiệp ở vị trí thư ký, hành chính, nhân viên văn phòng, lưu trữ, thông tin, thư viện, biên tập website.
– Biên tập – xuất bản sách; chuyển thể kịch bản phim; viết lời thoại phim ảnh; biên soạn từ điển, sách giáo khoa, sách tham khảo… hoặc là cán bộ nghiên cứu văn học, văn hóa, phát triển văn hoá xã hội; bảo tồn văn hoá phi vật chất, bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.
Riêng các trường đại học có đào tạo chuyên ngành Văn Báo chí thuộc ngành Văn học, sinh viên tốt nghiệp có thể mở rộng cơ hội việc làm với các ngành nghề:
– Phóng viên, biên tập báo; biên tập viên, phóng viên truyền hình; viết nội dung phim tài liệu; sáng tác kịch bản phim; dẫn chương trình; tổ chức sự kiện cho các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng.
– Ngoài ra, các bạn còn có thể đảm nhận các công việc liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, truyền thông, công tác đối ngoại, ngoại giao,…
Đọc thêm: Ưu và Nhược điểm khi học ngành Báo chí