Kiến thức kỹ năng
Báo chí xã hội – cơ hội và thách thức cho người làm báo chuyên nghiệp
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, nhiều phương tiện truyền thông và loại hình báo chí mới ra đời. Bên cạnh các thuật ngữ “báo chí dữ liệu”, “trí tuệ nhân tạo” hay ‘báo chí công dân” người ta còn biết đến “báo chí xã hội”. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức đối với những người làm báo chuyên nghiệp.
Mạng xã hội – Nền tảng của Báo chí xã hội
Mạng xã hội hay còn được hiểu là mạng xã hội ảo là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên môi trường Internet với nhiều mục đích khác nhau và không phân biệt không gian hay thời gian. Năm 1995 đánh dấu sự ra đời của trang classmate – được xem là mạng xã hội đầu tiên với mục đích kết nối các bạn học, ngay sau đó là sự xuất hiện của SixDegrees. Đến năm 2006, Facebook và Twitter ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, các website như tamtay.vn, clip.vn, netzender.com… được xem là mạng xã hội và bất kỳ website nào mang tính chất cộng đồng tham gia, dựa trên một đặc điểm về sở thích nào đó đều nằm trong phạm trù “mạng xã hội”.
Khi người ta lên mạng để đưa các thông tin, chia sẻ thông tin, bình luận, viết blog… theo đó sự “truyền thông xã hội” sẽ hình thành “báo chí xã hội”. Giờ đây một độc giả trên mạng xã hội cũng có thể trở thành một “nhà báo không chuyên” – người đồng hành cùng báo chí chuyên nghiệp.
Facebook và các mạng xã hội tương tự khác là công cụ giúp phân phối nội dung chứ không phải là đơn vị sản xuất nội dung thông tin; tuy nhiên Facebook có thể coi là “tờ báo lớn nhất thế giới” hiểu theo nghĩa “báo chí xã hội” dù không sở hữu bất kỳ nội dung hay phóng viên nào. Như ông Mark Zuckerberg đã nói: “Facebook với hơn 1,5 tỷ người dùng chẳng cần phải tải thêm ứng dụng mới đã cho mọi người xem được đủ loại nội dung và có thể làm một nhà báo nếu họ muốn”.
Mạng xã hội đang mang đến những tác động vô cùng to lớn đến cách tiêu dùng tin tức và cách tác nghiệp của các nhà báo cũng như nhiều cơ quan báo chí lẫn cách ứng xử của người dùng. Gần như con người không còn gần tìm đến tin tức nữa mà tin tức sẽ tự động tìm đến con người. Ngày nay, một bài viết, một phóng sự, một bức ảnh hay một video clip nếu được xem là hay, nó không chủ thu hút được sự quan tâm của một lượng lớn các độc giả mà còn khiến cho họ chia sẻ trên mạng xã hội.
Hội nghị Báo chí Publish Asia ở Manila – Philippines đã đưa ra những con số rất đáng quan tâm: Tỷ lệ truy cập trang web từ các đường link được dẫn trên mạng xã hội là 43%, vượt tỉ lệ tìm kiếm là 38% và đương nhiên vượt lượng truy cập trực tiếp các trang web. Theo đó, nhiều nhà báo chuyên nghiệp đã tìm được nguồn thông tin từ mạng xã hội – “báo chí xã hội”, từ đó gợi ý cho họ về đề tài bình luận, rồi đi sâu tìm hiểu vấn đề, viết phóng sự, phóng sự điều tra…
Từ đó, mạng xã hội được xem là một phần không thể tách rời, thậm chí còn là sự ưu tiên trước của nhiều tờ báo chuyên nghiệp. Nhiều tờ báo đã đưa nội dung lên Instant Articles của Facebook, Discover của Snapchat, The News của Apple…, coi đây là một kênh quan trọng để tăng lượng truy cập và thu hút quảng cáo.
Nhìn nhận một cách tổng quan, trên thế giới cách đưa tin của nhiều hãng thông tấn và tờ báo về các sự kiện lớn trong những năm qua đã cho thấy, họ tận dụng rất triệt để nguồn tin từ “báo chí xã hội”. Thực tế, không tòa soạn nào đủ nhân lực để có thể nắm bắt toàn bộ diễn biến mới của sự việc ở khắp nơi trên thế giới. Họ phải dựa vào tai mắt của các nhà báo không chuyên từ nhiều nơi.
Trách nhiệm xã hội và sự cá nhân hóa
Thành tựu công nghệ chính là nền tảng ra đời của các loại hình truyền thông xã hội, “báo chí xã hội” và cũng phần nào cải thiện quá trình cá nhân hóa. Trong một thế giới ảo, Internet cho phép mỗi người có những địa chỉ của riêng mình, có thể hoàn toàn thỏa mãn những ý thích riêng. Mỗi blog có thể xem như một tờ báo cá nhân, blogger cũng có thể được xem là một nhà báo không chuyên.
Mặt lợi của quá trình cá nhân hóa; là việc khuyến khích sự năng động của cá nhân, nhưng vẫn có cái hại là ai cũng muốn thể hiện cái tôi của mình nên khiến những trật tự, kỷ cương của tập thể bị vi phạm và đặt ra bài toán hóc búa cho các nhà quản lý. Cơ quan quản lý có thể nắm quyền cấp phép cho các ấn phẩm hay trang web báo chí nhưng lại rất khó quản lý việc sử dụng mạng xã hội cũng như cách sản xuất nội dung trên đó.
Nhiều cá nhân lợi dụng cái gọi là “tự do ngôn luận” để đưa ra những thông tin sai lệch, những bình luận không chính xác. Do đó, mỗi cá nhân cũng cần có ý thức và trách nhiệm với bản thân cũng như cộng đồng khi đưa ra thông tin trên mạng xã hội. Đặc biệt, người đọc thông tin cũng cần tỉnh táo để nhận thức được thông tin nào đúng, thông tin nào sai. Được như vậy thì “báo chí xã hội” sẽ phát huy tốt mặt tích cực của nó đồng thời hạn chế được tối đa những mặt tiêu cực.
Mức độ cá nhân hóa càng cao càng phải đề cao hơn trách nhiệm của từng cá nhân với xã hội và như thế mới có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển.