Cơ hội nghề nghiệp
Những phẩm chất cần thiết của người làm công tác bảo tàng
Bảo tàng
Bảo tàng như một loại thiết chế văn hóa
Trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại, bảo tàng ra đời như một loại thiết chế văn hóa được hiểu là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần thuộc về quá khứ của một lĩnh vực, một nền văn hóa cộng đồng, rộng hơn là của nhân loại. Vì thế, khi nhắc đến bảo tàng, chúng ta thường nghĩ tới một địa điểm không chỉ có kiến trúc đẹp, mà còn là nơi trưng bày, chứa đựng nhiều điều thú vị. Ở Việt Nam, theo Luật Di sản văn hóa, bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Chuyên viên bảo tàng
Ở nước ta, hệ thống bảo tàng khá phong phú, gồm hơn 120 bảo tàng trên khắp cả nước, với khoảng sáu bảo tàng có quy mô quốc gia như Bảo tàng Lịch sử quân đội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… đã mở ra nguồn việc dồi dào cho những bạn đam mê khối ngành xã hội. Công việc ở bảo tàng rất đa dạng. Bạn có thể làm việc trong các phòng nghiên cứu, thí nghiệm, kho bảo quản hiện vật, các gian trưng bày trong nhà. Nếu yêu thích công việc năng động ngoài trời, bạn cũng có thể làm việc tại các di tích, công trường khai quật khảo cổ học hoặc đi nghiên cứu, phỏng vấn các tầng lớp xã hội, nghề nghiệp khác nhau ở khắp các vùng miền. Những người làm bảo tàng thường chuyên sâu về một nghề nhưng biết nhiều nghề khác như chụp ảnh, quay video…
Chuyên viên bảo tàng
Để thành công trong nghề, ngoài say mê, người học ngành bảo tàng cần có kiến thức sâu rộng về lịch sử, mỹ thuật. Những kiến thức này sẽ được trang bị khi các bạn theo học ngành Việt Nam học. Với những môn học về lịch sử, kiến trúc, tôn giáo, văn học,… các bạn cử nhân ngành Việt Nam học sẽ dễ dàng đảm nhận những công việc như: Tổ chức sắp xếp và trình bày hiện vật theo hệ thống các chủ đề, sử dụng trang thiết bị cần thiết để làm toát lên ý tưởng, thông điệp mà bảo tàng muốn truyền đạt tới công chúng, Giữ gìn sự toàn vẹn của các di sản văn hóa ở bảo tàng dựa trên các đặc điểm vật lý – hóa học, chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác, đời sống của hiện vật trước khi đến với bảo tàng, với mục đích giữ gìn hiện vật được nguyên dạng, Hướng dẫn tham quan, tổ chức các chương trình giáo dục, biểu diễn, báo cáo khoa học, nói chuyện chuyên đề, thực hiện các ấn phẩm liên quan đến hoạt động của bảo tàng.